EVFTA: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam


Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,57%-5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07%-7,72% (giai đoạn 2029-2033). Đặc biệt, EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam

Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Hiện, các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) - thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam ở EU.

 Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thành viên EU. Trong đó, điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD; Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,06 tỷ USD; Nhóm nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu), chỉ sau Trung Quốc (20-22%); Ngoài ra, dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. 

Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam nhập từ các thành viên EU cũng đa dạng.

Điển hình như năm 2019, nước ta nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Iceland với trị giá đến gần 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng; ô tô nguyên chiếc; mặt hàng thực phẩm: Trứng, sữa, mật ong, thịt gà, thịt bò, rau củ xứ lạnh… từ các thành viên EU.

Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt nam  sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...

Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức

Tuy nhiên, do EU có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, cao hơn 3 lần thu nhập đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA.

Bên cạnh những cơ hội, thì EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật ...

Theo các cam kết kèm theo thì yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng rất chặt chẽthông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, hiện tại, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa…  Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Còn theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ, điểm yếu của DN Việt là không hợp tác được với nhau. Muốn hợp tác với nhau, các DN phải luôn luôn tự cường và liêm khiết. Để làm vậy, đầu tiên phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hoá, giữa các DN với nhau và với bạn hàng.

Ông Ngô Đức Minh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) đánh giá, DN Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại, song muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, DN cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU… để tránh những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa.

Đồng tình với quan điểm trên, trao đổi với báo chí, PGS., TS. Phạm Tất Thắng cho biết, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển bền vững kinh tế mở ra thế giới. Nếu Việt Nam đưa được hàng hoá vào thị trường EU thì đó là giấy chứng nhận thông hành để đưa hàng ra thế giới. Ngoài ra, để đưa được hàng vào EU thì các DN Việt Nam cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn "chụp giật", thiếu liên kết, không vào các chuỗi, không tạo niềm tin khi hợp tác.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ  EVFTA đưa ra. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

DN Việt Nam cần chủ động nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật của EU, ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, DN cũng cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý.

Vì DN Việt Nam với trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt với quy mô và năng lực của DN phần lớn là DN nhỏ và vừa thì sẽ có nhiều thách thức, yêu cầu đặt ra. Để khai thác tốt những cơ hội, Bộ trưởng khuyến nghị các DN Việt Nam cần tập trung điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình