EVFTA, EVIPA trước áp lực “mở cửa” chính sách
PGS., TS. Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khẳng định: sửa đổi chính sách là một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi gia nhập vào EVFTA.
Ông Dũng chia sẻ: Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương đối hoàn thiện nhưng việc gia nhập vào Hiệp định có mức độ cam kết cao như EVFTA sẽ đặt Việt Nam trước nhiều thách thức về mặt pháp lý, trong đó có các khó khăn trong việc chuyển hóa các quy định của EVFTA vào hệ thống pháp luật trong nước.
PV. Cụ thể, chúng ta sẽ phải sửa đổi những chính sách nào để phù hợp với EVFTA, EVIPA?
PGS., TS. Trần Việt Dũng: Theo quy định của Điều 6.2 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, để chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế nói chung và của các FTA nói riêng, Việt Nam sẽ phải tiến hành một trong các công việc: sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện có; bãi bỏ quy định hoặc văn bản quy phạm pháp luật hiện có...
Cũng giống như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA luôn dành một khoảng không gian để các quốc gia nội luật hóa. Do đó, qúa trình sửa đổi này đòi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và các Bộ chuyên ngành để đảm bảo quá trình xây dựng pháp luật phù hợp với quy định của EVFTA nhưng cũng vẫn có lợi cho doanh nghiệp Việt. Nhưng công việc này đòi hỏi thời gian và phải có lộ trình cụ thể, khoa học.
Có một vấn đề khác cũng rất cần lưu tâm đó là có nhiều lĩnh vực thương mại, nhất là thương mại dịch vụ, việc mở cửa thị trường thường có các cấp độ và lộ trình khác nhau. Việc chuyển hóa không được tiến hành đồng thời, mà rải rác vào nhiều thời điểm khác nhau có thể gây ra những khó khăn cho việc xây dựng khung pháp lý về tiếp cận thị trường. Khi các điều kiện về tiếp cận thị trường trong FTA này chưa được nội luật hóa, nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó có thể yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cho phép hoặc cho đăng ký kinh doanh những ngành nghề đó.
Sở hữu trí tuệ là một trong số những quy định khó bậc nhất trong EVFTA, EVIPA. Theo ông, chúng ta cần sửa đổi các quy định này như thế nào, thưa ông?
Phần sở hữu trí tuệ trong EVFTA gồm các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với WTO. Tuy nhiên, các mức này về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình EU.
Về dược phẩm, Việt Nam cam kết tăng cường bảo hộ độc quyền dữ liệu cho các sản phẩm dược phẩm của EU, và nếu cơ quan có thẩm quyền chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm thì thời hạn bảo hộ sáng chế có thể được kéo dài thêm nhưng không quá 2 năm.
Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải làm gì để hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của EVFTA?
Trước hết là các doanh nghiệp phải nắm bắt được quy định và yêu cầu của EVFTA.
Đối với Nhà nước, chắc chắn việc cải cách khung pháp lý để phù hợp với các cam kết tại EVFTA là rất quan trọng. Theo tôi, cần đầu tư nhiều hơn cho các chuyên gia pháp luật, kinh tế nghiên cứu về hiệp định này và tác động của nó đối với môi trường kinh doanh, từ đó xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp.
Xin cảm ơn ông!