Triển vọng thu hút FDI từ EU vào Việt Nam


Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển tích cực và toàn diện. Đặc biệt, việc Nghị viện châu Âu thông qua hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) ngày 12/2 kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước EU vào Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: EU đứng thứ tư

Thu hút FDI là một mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam trong năm đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong đó, tính lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, EU luôn là một trong những đối tác viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Xu thế đầu tư trực tiếp của EU hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ như: bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ... EU đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; Sản xuất, phân phối điện, khí, Bất động sản, Thông tin và truyền thông… Đồng thời, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn với kết cấu hạ tầng phát triển, có cảng biển, sân bay, như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI từ EU đã mang đến một số công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực, như dầu khí, công nghiệp nặng, dịch vụ bưu chính... tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy, lượng vốn FDI từ EU vào Việt Nam còn chưa ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng về vốn, công nghệ và kỹ thuật của các nhà đầu tư EU. Số lượng dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực là lợi thế của các nước EU, đồng thời là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút, như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng,... vẫn còn khiêm tốn. Nhiều dự án đầu tư của EU vẫn tập trung tận dụng nguồn lao động giá rẻ để thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu...

Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề khi thu hút FDI từ EU. Cụ thể, lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU. Lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

Bên cạnh đó, đối với thu hút FDI chất lượng cao, EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không có tính quyết định đối với hoạt động đầu tư. Muốn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rà soát Luật Sở hữu trí tuệ nhằm điều chỉnh phù hợp với các cam kết sâu hơn trong EVFTA và các FTA thế hệ mới khác, cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết nhằm tạo niềm tin đối với nhà đầu tư; Đồng thời, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra. 

Đặc biệt, dù EVFTA có tác động sâu rộng và được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, song số lượng doanh nghiệp hiểu biết về EVFTA vẫn còn hạn chế. Ngay cả đối với các doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam cũng có tới 28% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn mơ hồ về các nội dung của EVFTA. Tỷ lệ này trong các doanh nghiệp của Việt Nam có thể còn ở mức cao hơn. Điều này có thể làm hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội cũng như chuẩn bị sẵn sàng trước các thách thức mà EVFTA mang lại. Vì vậy, việc tăng cường nhận thức và nghiên cứu về tác động của EVFTA là vô cùng cần thiết. Trước mắt, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU… để tránh những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa...

Triển vọng thu hút FDI từ EU vào Việt Nam

EVFTA là Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời cũng là một trong những hiệp định toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển. Do vậy, FDI từ EU vào Việt Nam được dự báo có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Các cam kết này sẽ là động lực để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Như vậy, có thể thấy EVFTA có những tác động nhất định. Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ rất cao là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI vào Việt Nam. 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết, các cam kết xóa bỏ thuế quan sẽ giúp gia tăng FDI nói chung từ các nước không tham gia FTA nhằm tận dụng những ưu đãi mà các nước thành viên FTA dành cho nhau. Trong khi đó, đối với FDI nội khối, FTA có thể làm tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang. Tác động tổng thể của việc xóa bỏ rào cản thương mại do đó phụ thuộc vào bản chất của FDI giữa hai bên. Áp dụng vào trường hợp EVFTA, Hiệp định kỳ vọng sẽ giúp gia tăng FDI từ các nước ngoài khối EU, tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang từ các nước EU vào Việt Nam.

Còn trên thực tế, FDI từ EU vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là FDI theo chiều dọc khi các nhà đầu tư EU hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu và lao động giá rẻ. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ làm gia tăng FDI vào Việt Nam từ cả các nước thành viên EU và các nước không thuộc EU.

Nhóm sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế nhiều nhất lần lượt là: giày dép, mũ và các sản phẩm đội đầu; sản phẩm bằng đá, thạch cao, thủy tinh; hàng dệt may; thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá; sản phẩm da... Đây là các ngành có thể thu hút FDI theo chiều dọc từ các nước EU, cũng như các nước ngoài EU nhằm tận dụng các lợi thế so sánh của cả Việt Nam và EU.

Đáng lưu ý, có một số nhóm hàng được giảm thuế nhiều từ cả hai phía, như giày dép, mũ và các sản phẩm đội đầu; hàng dệt may; sản phẩm da; nguyên liệu dệt may. Đây đều là những ngành mà Việt Nam có lợi thế lớn. Các cam kết này sẽ tạo điều kiện thu hút FDI nói chung vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày, nhất là hoạt động gia công quốc tế khi doanh nghiệp nước ngoài có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ EU sau đó xuất khẩu thành phẩm sang EU với chi phí thấp.

FDI từ EU có thể tăng vào các phân ngành dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong WTO nhưng lại cam kết trong EVFTA, như dịch vụ hội chợ, triển lãm, dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo hành và sửa chữa tàu  biển, tàu thủy nội địa, máy bay, dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ hàng hải, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa… FDI cũng có thể gia tăng trong các ngành dịch vụ được cam kết mở cửa sâu hơn so với cam kết trong WTO, đồng thời là thế mạnh của các nước EU, như dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ máy tính, dịch vụ môi trường, giáo dục bậc cao, phân phối, viễn thông và y tế.

Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết EVFTA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh, như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… 

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước nước ngoài đến năm 2030. Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đây là tín hiệu đáng vui đối với các FTA.