Cắt giảm thuế quan trong các FTA – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mở cửa thị trường hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, thực hiện cam kết thuế mở cửa thị trường hàng hóa cũng tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ các ưu đãi về thuế quan, lộ trình áp dụng và những điều kiện cụ thể để được hưởng các ưu đãi từ các FTA.
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA
Thống kê cho thấy, đến nay, tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó, 12 hiệp định đang thực thi (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand , ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).
Thực thi các hiệp định trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác, trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023 (riêng CPTPP là giai đoạn 2019 - 2022 và Việt Nam - Lào giai đoạn từ ngày 1/9/2016 - 3/10/2020 (Nghị định biểu thuế Việt Nam - Lào đang thực hiện theo Danh mục Biểu thuế quan hài hoà ASEAN năm 2012 - AHTN 2012). Đến nay, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018.
Các hiệp định đang tiến gần thời điểm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm: ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia - New Zealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao (khoảng 90% vào năm 2019).
Cùng kết thúc lộ trình giảm thuế, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chi-lê mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như: ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi - lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Đáng chú ý, trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là hiệp định mới nhất được Việt Nam thực thi. Ngày 26/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/ NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.
Về cam kết thuế nhập khẩu trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: (i) 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; (ii) 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (iii) 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (iv) Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Ngoài cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cam kết miễn thuế đối với các trường hợp như: Hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm...
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Thương mại giữa Việt Nam và EU tăng rất nhanh kể từ năm 2000 đến 2018, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng 10 lần (từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,88 tỷ USD năm 2018) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng 10 lần (từ 1,3 tỷ USD năm 2000 lên 13,89 tỷ USD năm 2018). EU là thị trường lớn của Việt Nam đối với các mặt hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ, đồ điện tử, hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, dù chỉ có 10 đối tác thương mại nhưng tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt hơn 74,43 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 15,5% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia có tham gia ký́ kết FTA sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cùng với đó, việc tham gia FTA cũng mở rộng cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như một số ngành: Dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử…
Tuy nhiên, thực hiện cam kết thuế mở cửa thị trường hàng hóa cũng tạo ra không ít thách thức cho các DN, khả năng tận dụng cơ hội từ các ưu đãi FTA còn thấp. Trong bối cảnh đó, DN cần nhận thức đầy đủ các ưu đãi về thuế quan, lộ trình áp dụng và những điều kiện cụ thể để được hưởng các ưu đãi từ các FTA.