EVFTA góp phần cải thiện sự minh bạch chính sách
EVFTA không phải là hiệp định duy nhất giúp cải thiện việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại ở Việt Nam nhưng có đóng góp đáng kể vào cải thiện mức độ minh bạch về chính sách tạo thuận lợi thương mại, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương đánh giá.
Thúc đẩy cải cách thể chế
EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 - ngay khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Tại Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả 3 năm thực thi EVFTA đối với kinh tế Việt Nam", sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, diễn ra ngày 27/10, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, sau 3 năm triển khai, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU phục hồi mạnh mẽ, từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022. Cùng với đó, EVFTA giúp Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại.
Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và đầu tư ở Việt Nam. Tính đến 20/7/2023, thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam đạt xấp xỉ 29 tỷ USD vốn đăng ký với 2.515 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 6 về vốn đăng ký trong nhóm các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đăng ký từ các nhà đầu tư EU tăng từ khoảng 5% tổng vốn đăng ký bình quân giai đoạn 2016 - 2020 lên mức 8,9% năm 2022 và 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2023. Chuyển biến tích cực của dòng vốn đầu tư từ EU có sự đóng góp rất lớn của Đan Mạch, với sự hiện diện của dự án FDI xanh quy mô lớn như dự án nhà máy LEGO đầu tư tại tỉnh Bình Dương.
Từ góc độ thể chế, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, “khó có thể khẳng định EVFTA là hiệp định duy nhất có tác động cải thiện việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023, nhưng chắc chắn EVFTA có đóng góp đáng kể vào cải thiện mức độ minh bạch về chính sách tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam”.
Kết quả khảo sát của Liên Hợp Quốc về tạo thuận lợi thương mại số và bền vững ở Việt Nam so với khu vực ESCAP và Đông Nam Á cho thấy, chỉ số minh bạch của Việt Nam đã tăng từ 86,7% năm 2019 lên 93,3% vào năm 2023; thương mại không giấy tờ tăng tương ứng từ 48,1% lên 77,8%; thương mại không giấy tờ xuyên biên giới tăng từ 50% lên 55,6%; tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng từ 40% lên 46,7%...
Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực thi EVFTA. Các lĩnh vực về đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP.
Sớm ban hành nghị định sửa đổi về thủ tục hải quan
Dù vậy, xuất khẩu sang EU vẫn chưa được như kỳ vọng. Xuất khẩu sang EU trong giai đoạn 2017 - 2021 có xu hướng giảm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trung bình giảm 1,4%/năm và tăng chậm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp, trung bình 2,4%/năm.
Hành lang pháp lý các quy định về tự do hóa đầu tư và tiếp cận thị trường cơ bản đã được nới lỏng theo cam kết EVFTA nhưng thực tế thu hút FDI vào một số lĩnh vực như dược phẩm, y tế trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Một số ít trường hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa bảo đảm tương thích đầy đủ với cam kết EVFTA như quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định liên quan tới việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…
Nhằm khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, các chuyên gia đề xuất, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế; tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về thương mại, sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, liên quan đến nội dung quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiêu chí, điều kiện được hưởng cơ chế ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan và việc áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong kiểm tra thực tế hàng hóa; đẩy mạnh công tác truyền thông, hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm tăng cường kiến thức cho doanh nghiệp trong nước; chủ động hơn trong việc tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường đối tác FTA.
Về đầu tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như hiệu lực và hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu và xuất khẩu; xây dựng hệ thống hỗ trợ đầu tư và xúc tiến thương mại.
Về sở hữu trí tuệ, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tương thích; hoàn thiện vận hành các cơ chế đăng ký và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan; xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể quyền Việt Nam trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại EU…