EVFTA tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU phục hồi mạnh mẽ
Ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ. Hội thảo tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Tổng quan về việc thực hiện Hiệp định EVFTA trong giai đoạn 2020-2023 trong các cân nhắc rộng hơn về bối cảnh địa chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực; Phân tích định tính tác động đối với kinh tế Việt Nam, lưu chuyển thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam sau ba năm thực thi Hiệp định EVFTA; Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA tới Việt Nam sau ba năm thực thi dưới góc nhìn thể chế trong một số lĩnh vực; Đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.
EVFTA thúc đẩy mở rộng quy mô và đối tác xuất khẩu của Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết, Hiệp định EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tạo thêm các tiêu chuẩn đủ cao để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, mua sắm công… Đặc biệt, EVFTA không chỉ là FTA đầu tiên của Việt Nam với EU, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.
Trình bày kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong 2 năm đầu. Cụ thể, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU (không tính Anh) trong giai đoạn 2012-2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm và nhập khẩu đạt 6,4%/năm. Nổi bật, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã phục hồi từ mức giảm 1,8% (năm 2020) tăng lên 14,2% (năm 2021) và 16,8% (năm 2022).
Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch.
Trong đó, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là các nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7/2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm tháng 7/2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn.
Nhìn từ góc độ thể chế, ông Nguyễn Anh Dương nhận định rằng, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các lĩnh vực như: thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP.
“Song, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với một số cam kết trong một số lĩnh vực, tránh nội luật hóa một cách quá cứng nhắc và ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của thị trường trong nước trước các diễn biến, bối cảnh mới”, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh.
Cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết những cơ hội từ EVFTA cả trong xuất khẩu, thu hút đầu tư từ các nước EU.
Do vậy, để khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.
Cùng với đó, Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Các bộ, ngành cần tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA; rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.