Facebook phản ứng khi Australia yêu cầu trả tiền cho báo chí
Facebook phản ứng khi Australia chuẩn bị ban hành luật mới buộc các hãng công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho báo chí.
BBC News cho hay, các nhà quản lý ở Australia muốn những hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho nội dung được đăng lại từ các hãng tin tức.
Trong bối cảnh đó, mới đây, Facebook đã đe dọa sẽ ngăn người dùng chia sẻ nội dung tin tức ở Australia. Tương tự, tháng trước, Google đã cảnh báo người dùng rằng các dịch vụ tìm kiếm của hãng có thể "kém hơn đáng kể".
BBC nhận định, động thái mới nhất của Facebook nhằm chặn chia sẻ tin tức khiến căng thẳng giữa các công ty công nghệ và cơ quan quản lý leo thang.
Theo Facebook, nếu dự luật được đề xuất trở thành luật sẽ ngăn người Australia chia sẻ tin tức trên Facebook cũng như Instagram - mạng xã hội thuộc công ty con của Facebook.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã soạn thảo quy định để tạo ra "sân chơi bình đẳng" cho các công ty công nghệ lớn và các hãng tin vốn đang gặp khó khăn do mất doanh thu quảng cáo.
ACCC đã phản ứng lại trước đe dọa của Facebook về việc chặn nội dung tin tức ở Australia, trong đó nhấn mạnh rằng điều đó là "không đúng thời điểm và bị hiểu sai".
"Bộ quy tắc chỉ nhằm mục đích mang lại sự công bằng và minh bạch cho các mối quan hệ của Facebook và Google với các hãng truyền thông tin tức của Australia" - Chủ tịch ACCC Rod Sims nói.
Trong bài đăng trên blog, giám đốc điều hành Facebook tại Australia và New Zealand Will Easton cho biết, dự thảo luật này "hiểu sai về động lực của internet và sẽ gây thiệt hại cho các tổ chức tin tức mà chính phủ đang cố gắng bảo vệ".
Ông lập luận rằng, quy định này sẽ buộc Facebook phải trả tiền cho nội dung mà các hãng tin tự nguyện đưa lên nền tảng của Facebook để dẫn lượng truy cập vào các trang tin tức của họ.
Ông Easton tuyên bố, Facebook đã gửi 2,3 tỉ lượt click từ News Feed (trang chủ của mạng xã hội Facebook) của Facebook trở lại các trang web tin tức của Australia, trị giá khoảng 200 triệu đô la Australia (148 triệu USD) trong 5 tháng đầu năm.
Việc chặn tin tức "không phải là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi - đó là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi" - ông nói. Giám đốc điều hành Facebook tại Australia và New Zealand nhấn mạnh, các dịch vụ khác của Facebook để kết nối gia đình và bạn bè sẽ không bị ảnh hưởng.
Một phát ngôn viên của Facebook chia sẻ với BBC rằng sẽ "sớm cung cấp chi tiết cụ thể" về cách thức thực thi lệnh cấm.
Một số chuyên gia kinh doanh cho rằng, các công ty công nghệ nên trả tiền cho các hãng tin đối với những nội dung tin tức chất lượng mà các công ty này đăng lại trên những nền tảng của họ.
"Google, Facebook và những bên khác đã nhận miễn phí nó quá lâu" - Michael Wade - giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ và Singapore chia sẻ.
Google và Facebook hiện trả tiền cho một số nội dung tin tức ở các thị trường cụ thể và cho biết có kế hoạch triển khai các sáng kiến này đến nhiều quốc gia hơn, theo BBC.