FDI: Hấp dẫn đến phút cuối
(Tài chính) Hãng điện tử hàng đầu thế giới Samsung vừa chính thức nhận giấy phép đầu tư 1,4 tỷ USD vào dự án sản xuất điện tử tại Khu công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh nâng tổng số vốn đầu tư của hãng này tại Việt Nam lên gần 7 tỷ USD. Đều đặn xuất hiện những dự án tỷ USD và năm nào cũng có nguy cơ không đạt kế hoạch năm, đó là đặc trưng thu hút FDI mấy năm gần đây...
Ngay với năm 2014 này, trước khi có thêm 1,4 tỷ USD đăng ký đầu tư từ dự án của Samsung, kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam chưa bằng cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), đến 20/9/2014, có 1.152 dự án FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 7,63 tỷ USD. Kết quả này chỉ bằng 82,2% so với lượng vốn FDI thu hút cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, có 418 lượt dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỷ USD, cũng chỉ bằng 62,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hết lượng, đến chất
Như vậy, tính chung số dự án đăng ký mới và dự án tăng vốn, tổng cộng vốn FDI thu hút được trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam là 11,18 tỷ USD, chỉ bằng 74,5% cùng kỳ năm trước. Sang đầu tháng 10, với 1,4 tỷ USD đăng ký của Samsung, tổng vốn đầu tư được nâng lên thành 12,58 tỷ USD, tuy có cải thiện, nhưng vẫn không đẩy kết quả thu hút vốn FDI lên bằng với cùng kỳ năm trước. Đây không phải là năm đầu tiên vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam năm nay có bằng, hay vượt năm trước hay không thì vẫn là một sự mập mờ.
Từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết nhiều dự án "tỷ USD" vẫn đang đàm phán để vào Việt Nam, và thời gian dự kiến kết thúc đàm phán để công bố sẽ vào khoảng cuối năm. Đó là khẳng định khá được coi là chắc chắn. Vì với các tập đoàn lớn của thế giới, những dự án đầu tư "tỷ USD" thường được lên kế hoạch từ trước 1-2 năm, quá trình sau đó chỉ là đàm phán với chính phủ các nước nơi dự kiến đặt dự án để tối đa hóa các ưu đãi có thể đạt được.
Nhưng với Việt Nam, không riêng ngành kế hoạch đầu tư, mà mọi ngành đều "găm" thông tin các dự án, kết quả lớn để chờ công bố vào cuối năm, và xem đó như một giải pháp để bù đắp, cân đối các số liệu hoạt động năm của ngành. Do vậy mà số liệu thu hút vốn FDI cả 9 tháng đầu năm, có thể sẽ không có nhiều giá trị bằng những dự án sẽ công bố trong 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng năm 2014, vốn FDI được giải ngân đạt 8,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy các nhà đầu tư có mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, và nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam đã phần nào có tác dụng tăng được lượng vốn giải ngân. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp vốn FDI giải ngân cao hơn năm trước đó.
Sức ép những con số?
Trái với sự ồn ã trong đề nghị đầu tư casino tại Vân Đồn, việc Quảng Ninh cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án sản xuất sợi vải cho công ty Texhong Ngân Hà, với tổng vốn đăng ký 300 triệu USD, đặt tại khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà, lại không giành được nhiều sự chú ý. Trước đó, tập đoàn Texhong (HongKong) đã hoàn thành xây dựng dự án sợi vải tổng đầu tư 300 triệu USD ở KCN Hải Yên cũng của Quảng Ninh, chuẩn bị đầu tư 215 triệu USD xây dựng hạ tầng KCN Texhong Hải Hà.
Với dự án tổng đầu tư 300 triệu USD mới được cấp phép, Texhong đã nâng tổng đầu tư của hãng tại Việt Nam lên trên 900 triệu USD, lớn nhất trong số những doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam.
Dự kiến, ngày 30/10, Texhong sẽ đồng thời khởi công xây dựng KCN Texhong Hải Hà và nhà máy sợi vải mới.
Không riêng Texhong, FDI đầu tư vào ngành dệt may trong hai năm qua đang tăng khá mạnh. Lý do vì thời hạn hiện thực thống nhất thị trường ASEAN đang tới gần, và quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam cũng sắp hoàn tất đem lại khá nhiều hứa hẹn từ ưu đãi thuế và xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm từ khu vực này. Tại khu vực phía Nam, hiện đã có hàng chục dự án dệt vải, xơ sợi đang trong quá trình đàm phán, xin cấp chứng nhận đầu tư, hoặc đã thực sự đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.
Dù ít có công bố chính thức, nhưng các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã cho thấy thái độ không còn mặn mà với dự án FDI sử dụng nhiều lao động và hàm lượng công nghệ thấp. Tuy nhiên, giữa mong muốn và triển khai thực tế là khoảng cách rất xa và việc không "khoái" các dự án loại này dường như không phụ thuộc vào ý chí của phía Việt Nam.
Vì khi gia nhập các hiệp định thương mại, thị trường chung… Việt Nam đồng thời phải chấp nhận sự phân chia sản xuất thực tế của các hãng lớn. Mà theo đó, những quốc gia nào có giá nhân công, chi phí vận hành thấp đương nhiên sẽ là nơi đặt các nhà máy sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ không cao, hoặc khá ô nhiễm môi trường. Và dù các quốc gia có mong muốn hay không, với sức ép tăng trưởng, thu hút đầu tư, việc chấp nhận những dự án này dường như là bắt buộc.
Từ đây sẽ thấy, về lâu dài thu hút FDI khó có khả năng trở thành chìa khóa giải bài toán nâng cao trình độ công nghệ cho phía Việt Nam. Đó có thể là kết luận khó nghe với nhiều người. Nhưng thực tế, bản thân các nước phát triển cũng không khuyến khích dịch chuyển các công nghệ mới nhất, độc quyền và có giá trị gia tăng cao của họ sang các nước khác.
FDI có thể làm nên sự đột biến về công nghệ sản xuất, nhưng có đảm bảo mục đích đi tắt đón đầu về công nghệ hay không thì là chuyện khác. Đó cũng là điều cần chú ý, trong nỗ lực nâng cao cả về chất và lượng đối với vốn FDI hiện nay.
TS. Nguyễn Đình Cung