FDI Trung Quốc tại Việt Nam và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

PGS. TS. HỒ ĐÌNH BẢO, TS. BÙI TRINH

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) đang đổ vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Đây là cơ hội để Việt Nam bổ sung thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế, song cần hết sức cẩn trọng bởi nhiều lẽ.

Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Nguồn: internet
Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Nguồn: internet

FDI từ Trung Quốc tăng cao

Thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Trong tốp 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc. Nhưng gió đã đổi chiều, kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường béo bở TPP mà sau này là thị trường theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2017, số vốn đăng ký của Trung Quốc tăng 2,7 lần, bình quân mỗi năm tăng khoảng 18%. Cơ cấu vốn của Trung Quốc trong tổng số vốn FDI đăng ký là 12%, sau Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (28%) và Singapore (19%). Đấy là chưa kể luồng vốn ngầm đầu tư qua các kênh khác mà cơ quan thống kê không thể quan sát.

Do chiến lược thu lợi từ bên ngoài của Trung Quốc

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đến do chiến lược của Chính phủ Trung Quốc hiện nay có phần thay đổi. Đó là khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ cổ tức, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước.

Cho đến nay, thực trạng kinh tế Trung Quốc được che đậy dưới lớp vải điều hào nhoáng của tăng trưởng GDP. Trong khi đó, năng suất nhân tố tổng hợp và hiệu quả đầu tư của Trung Quốc sụt giảm liên tục.

Để tránh kinh tế suy thoái, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư (chiếm khoảng 50% GDP). Do cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng chỉ loanh quanh ở mức 50% GDP và sự cố gắng này dường như đã tới hạn với nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao (có số liệu cho rằng nợ công của Trung Quốc ít nhất là 30.000 tỉ đô la Mỹ). Trong những năm gần đây, khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư (gross capital formation) của Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp. Để tăng sức mạnh của nền kinh tế, họ chú trọng vào chỉ tiêu tiết kiệm - là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư, phần còn lại có thể cho vay lấy lãi. Như vậy, có thể dự đoán rằng Trung Quốc không còn cố gắng làm tăng chỉ tiêu không mấy ý nghĩa như GDP mà tập trung nâng cao năng lực từ tiết kiệm (saving) thông qua thu nhập từ sở hữu, mà thu nhập từ sở hữu cơ bản do các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc ở các nước mang lại.

Như vậy, nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ là nhân dân tệ mà Việt Nam cũng vội vàng phá giá tiền đồng của mình thì hành động đó chính là “cứu” Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong khi không mang lại lợi ích gì thực sự cho Việt Nam vì xuất khẩu của Việt Nam thực chất chỉ là xuất khẩu công lao động và một ít bao bì.

Trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, số liệu thống kê của Trung Quốc và Mỹ cho thấy Trung Quốc có phần bất lợi. Chẳng hạn năm 2017 hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ nhiều gấp gần 4 lần hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc. Như vậy, trong việc áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa giữa hai nước, Trung Quốc thiệt thòi thấy rõ. Để chống trả lại việc này, Trung Quốc phải lôi kéo (kết hợp) các nước khác ký kết các hiệp định thương mại tự do và cố gắng đưa hàng hóa thâm nhập vào chuỗi giá trị của các nước khác mà Việt Nam có vẻ là điểm đến thích hợp.

Trung Quốc nắm giữ nhiều trái phiếu của Mỹ, như vậy Trung Quốc cũng không thể hạ giá nhân dân tệ quá mức, nhưng họ sẽ “nhử”, chẳng hạn như là sẽ hạ giá nhân dân tệ để một số nước khác hoang mang rơi vào bẫy và phá giá đồng tiền của nước mình. Nếu Việt Nam phá giá tiền đồng thì Việt Nam không những không được hưởng lợi gì mà chỉ giúp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc cũng khó có cửa giảm thuế nhập khẩu sâu hơn thông qua việc tham gia, mời gọi các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do vì phải nuôi bộ máy quá lớn. Trong khi chi tiêu thường xuyên của Chính phủ của Việt Nam chiếm khoảng 8% tổng tiêu dùng cuối cùng thì tỷ lệ này của Trung Quốc đến năm 2016 là gần 27%. Chi tiêu dùng của Chính phủ Việt Nam chiếm khoảng 6-7% GDP, còn chi tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc khoảng 14% GDP.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay thực chất có phần do cấu trúc kinh tế của hai nước. Trong khi cầu tiêu dùng của Mỹ thường chiếm trên 80% trong GDP, thì cầu tiêu dùng của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 50% trong GDP.

Về phía cung, Mỹ và Trung Quốc có hệ số co giãn về lao động và vốn giống hệt nhau, nhưng hiệu quả sản xuất của Mỹ tốt hơn hẳn. Cứ 100 đô la Mỹ giá trị sản xuất thì Mỹ tạo ra 58,1 đô la giá trị gia tăng trong khi Trung Quốc chỉ tạọ ra 33,5 đô la giá trị gia tăng (tỷ lệ này của Việt Nam là 21% - quá thấp!). Tỷ lệ thuế gián thu trong GDP của Mỹ cũng thấp hơn của Trung Quốc khá nhiều (6,6% so với 14%).