Nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã mở màn ngày 6/7/2018, khi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế suất 25% với 818 hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực và Trung Quốc lập tức đáp trả bằng mức thuế tương tự với 545 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Cuộc chiến này không gây bất ngờ vì đã được ông Donald Trump báo trước và coi là lợi thế vận động tranh cử Tổng Thống Mỹ. Đây cũng là cuộc chiến hợp pháp đối với cả hai bên trong khuôn khổ các biện pháp tự vệ thương mại cho phép của WTO, mà cả hai nước đều là thành viên.
Tuy nhiên, đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và rất khó đoán định, được dẫn dắt bởi những “nghệ thuật thương lượng” trong kinh doanh “không giống ai” của Tổng Thống - Tỷ phú Donald Trump và những tính toán thâm trầm, dài hơi, tổng hợp “36 phép dùng binh”, kết hợp cả “lửa và nước” truyền thống của Trung Quốc.
Cả bên tấn công và bên phản vệ đều “vừa đánh vừa đàm”, lấy lợi ích quốc gia của mình là mục tiêu tối thượng. Song, cuộc chiến này chưa rõ hồi kết, trong khi hệ lụy của nó là đa dạng và đa chiều, sẽ ngày càng vượt khỏi biên giới Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của guồng máy kinh tế thế giới (trong đó có Việt Nam) đang trong giai đoạn tăng tốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đầy hăm hở, theo cả bề rộng và bề sâu, trước mắt và lâu dài…!
Việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa và cả những biện pháp phi thuế quan khác để trừng phạt lẫn nhau của Mỹ và Trung quốc khiến giá cả thị trường hàng hóa nhập khẩu tăng, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng trong nước, thu hẹp dòng hàng từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại. Điều này tạo thêm khoảng trống thị trường, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác tăng cường đầu tư, nâng cấp và liên kết chuỗi sản phẩm mới để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ và Trung Quốc.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt có thể thêm cơ hội mua rẻ hơn những mặt hàng của Trung Quốc (như động cơ, thiết bị…) khó xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, khi mặt hàng cơ khí, các thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc khó xuất hơn sang Mỹ thì sẽ tràn sang Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, hàng Trung Quốc có thể mượn đường và xuất xứ từ Việt Nam để xuất sang Mỹ. Nếu các doanh nghiệp Việt không tỉnh táo, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, “tham bát bỏ mâm”, thì sẽ lợi bất cập hại, khiến doanh nghiệp Việt vừa bị giảm thị phần, vừa có thể tăng nguy cơ bị “trừng phạt oan” từ Mỹ trong xuất khẩu hàng hóa “chính chủ” sang Mỹ.
Ngoài ra, sức ép tăng lãi suất đồng USD của Mỹ và giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ cùng hợp lực làm tăng sức ép lên tỷ giá VND. Sức ép giảm giá VND (tăng tỷ giá đối với đồng USD) sẽ gia tăng cùng chiều với sự gia tăng nhập siêu và khan hiếm ngoại tệ, cũng như quy mô dòng chảy ngược USD ra ngoài biên giới trước sức hút chênh lệch lãi suất huy động đồng USD của Việt Nam (hiện bằng 0% và chưa có dấu hiệu tăng) với Mỹ (từ 1,75-2% và sẽ tiếp tục tăng chậm).
Nếu kéo dài xu hướng ổn định tỷ giá (tức làm tăng giá trị danh nghĩa VND), sự bất lợi về xuất khẩu của hàng Việt sẽ đậm nét hơn và sức cản thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng sẽ lớn dần lên. Điều này đồng nghĩa với khả năng thu hẹp sản xuất và xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì bị thiệt hại về tỷ giá khi đầu tư vào Việt Nam.
Còn nếu buộc phải tăng tỷ giá, tức giảm giá VND, để tăng thu hút FDI, thì áp lực lạm phát trong nước sẽ là thách thức lớn nhất của nửa cuối năm 2018, trong bối cảnh sức ép lạm phát chi phí đẩy và lạm phát tiền tệ trong nước giữ nguyên, thậm chí còn tiếp tục gia tăng cùng quá trình tăng tốc tự chủ tài chính và thị trường hóa cộng đồng đông đảo các đơn vị sự nghiệp công trong nước theo lộ trình đã định...!
Như vậy, nhìn tổng thể, cuộc chiến thưong mại Mỹ-Trung càng kéo dài và càng mở rộng càng có thể làm đứt đoạn hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng liên kết cũ, hình thành hoặc làm sâu sắc hơn các chuỗi liên kết mới, xuất hiện những đảo chiều hoặc “bẻ ghi” dòng FDI khu vực và thế giới theo hướng né các thị trường đang chịu mức thuế cao, dồn tụ vào các nước ít có có nguy cơ áp thuế-bảo hộ nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu bám sát các động thái của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, rà soát các điểm mạnh - yếu, chuẩn bị kỹ các kịch bản tình huống, tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, linh hoạt các giải pháp ứng phó cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc chiến thuơng mại Mỹ - Trung, bảo vệ lợi ích quốc gia và DN Việt, duy trì động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam từ khu vực DN FDI cũng ngày càng bức thiết hơn…!
Lũy kế hết tháng 6 năm 2018, Việt Nam có khoảng 17500 dự án FDI còn hiệu lực (chiếm khoảng 3% tổng số DN cả nước đang hoạt động), với tổng đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD. Tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN. Hiện có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 189 tỷ USD, chiếm 57,1% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 56,2 tỷ USD (chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư); Sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,92 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư). Khu vực FDI đang thu hút hơn 4 triệu việc làm, tạo ra khoảng 18,59% GDP và gần 19% tổng thu NSNN; Đồng thời, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm và luôn xuất siêu…