Fed nâng lãi suất khiến QE của châu Âu "hụt hơi"
(Tài chính) ECB chỉ vừa mới triển khai chương trình nới lỏng định lượng. Tuy nhiên động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ là một trở ngại lớn.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào” xem ra không phải là điều mà NHTW châu Âu (ECB) tâm niệm trong thời điểm này. ECB tung ra chương trình mua 60 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng đúng vào thời điểm thị trường mong đợi Fed sẽ phát tín hiệu nâng lãi suất.
Nhà đầu tư đang bán tháo đồng euro, đồng thời khiến lợi suất trái phiếu do chính phủ các nước châu Âu phát hành sụt giảm. Lợi suất trái phiếu Đức và Hà Lan kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 0,25%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện ở mức 2,13%.
Đối với nhà đầu tư, đây là cơ hội để kinh doanh chênh lệch tỷ giá kiếm lời hoặc chí ít thì đồng USD là lựa chọn đầu tư tốt hơn hẳn so với euro. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm hơn 12% kể từ đầu năm đến nay, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Còn đối với kinh tế châu Âu, euro giảm giá sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu, đồng thời là công cụ để chiến đấu với giảm phát. Trong khi đó, USD quá mạnh là mối bận tâm rất lớn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bản thân đồng USD mạnh đã có tác động tương tự như một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ. Có cần thiết phải tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tiền lương ở mức 2% (thậm chí chỉ đạt 0,1% trong tháng gần đây nhất)? Các nhà xuất khẩu không phải sợ hãi: thâm hụt thương mại của Mỹ đã thu hẹp nhờ hoạt động khai thác dầu và khí đá phiến bùng nổ, tuy nhiên nếu không tính đến dầu mỏ thì thâm hụt vẫn ở mức cao kỷ lục.
ECB chỉ vừa mới triển khai QE và còn một chặng đường rất dài ở phía trước. Sự hiện diện của một người mua có khả năng mua vào không giới hạn ảnh hưởng lên giá cả. Bên cạnh đó, không phải loại trái phiếu nào cũng đủ tiêu chuẩn để ECB mua vào. Các chuyên gia của ngân hàng Pháp SocGen viết:
Chúng tôi ước tính rằng hiện nay khối lượng trái phiếu đủ tiêu chuẩn để ECB mua vào chỉ ở mức 4.471 tỷ euro (theo danh nghĩa) và 5.665 tỷ USD (theo giá trị thị trường). Bởi vậy 25% trái phiếu sẽ được mua với lợi suất âm.
Tất nhiên, sự kết hợp giữa lợi suất trái phiếu siêu thấp và một đồng tiền đang rơi tự do khiến trái phiếu chính phủ của eurozone không có chút sức hấp dẫn nào trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Bạn có thể nghĩ rằng trái phiếu do khu vực tư nhân phát hành sẽ bù đắp phần thiếu hụt. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí bắt buộc phải nắm giữ trái phiếu chính phủ theo quy định. Nói cách khác, có rất nhiều người mua không nhạy cảm với lợi suất.
Deutsche Bank cũng nhận định hành động của ECB (cùng với thặng dư cán cân vãng lai lớn của Đức) sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
“Thặng dư cán cân vãng lai khổng lồ của eurozone phản ánh có một lượng lớn tiền tiết kiệm dư thừa và phần này sẽ ảnh hưởng lớn đến giá tài sản trên toàn cầu. Kết hợp với gói nới lỏng định lượng của ECB và lãi suất âm, chúng tôi cho rằng sẽ có một lượng vốn lớn bị rút ra khỏi châu Âu, khiến đồng euro chao đảo”.
Deutsche Bank so sánh tình trạng dư thừa tiết kiệm hiện nay của châu Âu với tình trạng ở châu Á trong thập kỷ trước. Khi đó Alan Greenspan đã nói về “câu hỏi hóc búa” khi Fed nâng lãi suất ngắn hạn thì lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống.
Có lẽ châu Âu cũng đang đứng trước câu hỏi hóc búa này.