Fitch kỳ vọng GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất ASEAN năm nay
Trong bài phân tích mới đây của Fitch - cơ quan phân tích tài chính quốc tế, cơ quan này cho rằng mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với những kết quả không khả quan trong ngắn hạn nhưng vẫn có thể bù đắp trong những quý tới.
Theo Fitch, năm ngoái, các nhà chức trách Việt Nam đã thành công trong việc giữ cho số ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp. Nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 2,2% của nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, các hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trong quý III/2021 và có thể vẫn tiếp diễn nếu dịch bệnh không được kiểm soát.
Trước đó, tổ chức phân tích tài chính này dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6% vào năm 2021. Trong tháng 4, Fitch từng xác nhận xếp hạng tín nhiệm ‘BB’ và điều chỉnh triển vọng tín nhiệm lên "tích cực" từ "ổn định" bởi xét đến việc kinh tế và tài chính công của Việt Nam thời điểm đó đang vững vàng trước cú sốc đại dịch. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch như hiện nay, khi tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, sức ép đối với các hoạt động kinh tế quý III là rất lớn và tình trạng này có thể kéo dài nếu đợt bùng dịch không được kiểm soát.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 sẽ mạnh nhất trong số các quốc gia được Fitch xếp hạng ở ASEAN. Một số động lực tăng trưởng bị mất cũng có thể được tạo nên trong các quý tiếp theo khi sản lượng và hoạt động xã hội bình thường hóa, mặc dù nguy cơ bùng phát tiếp tục sẽ kéo dài do tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam vẫn ở mức thấp” – Fitch bày tỏ sự lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam.
Fitch dự báo, tài chính công cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việt Nam đang đưa ra một gói cứu trợ trị giá khoảng 5 tỷ USD (khoảng 1,4% GDP), tập trung vào việc giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong xếp hạng tín nhiệm ‘BB’ trong giai đoạn 2021-2022.
Tín hiệu tích cực là xuất khẩu vẫn là một yếu tố quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng. Tỷ trọng GDP của ngành du lịch đã giảm xuống 3,5% vào năm 2020 từ mức 9,3% vào năm 2019, Fitch tin rằng nguồn thu từ du lịch sẽ vẫn ở mức rất thấp vào năm 2022 do hậu quả của đại dịch. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số bằng chứng chưa rõ ràng cho thấy một số nhà máy sản xuất xuất khẩu đã bị gián đoạn do đợt bùng phát gần đây, nhưng Fitch cho rằng tác động lên sản lượng chỉ là tạm thời.
Một rủi ro đối với xuất khẩu của Việt Nam đã được giải quyết vào tháng 7 khi Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam về các chính sách tỷ giá hối đoái. Fitch cũng cho rằng, chính quyền Biden sẽ giảm bớt căng thẳng tiền tệ với các đối tác thương mại ở châu Á. Nếu thỏa thuận này có thể dẫn đến việc đồng nội tệ tăng giá, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính theo đơn vị USD sẽ tăng, giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng đánh giá.
Việc nới lỏng chính sách tín dụng nhằm giảm bớt tác động của đại dịch có thể là một trong những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng nhập khẩu. Tín dụng hệ thống tài chính tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 6,7%. Fitch kỳ vọng xu hướng này sẽ được duy trì trong nửa cuối năm 2021 khi các cơ quan chức năng hướng dẫn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và chấp nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Fitch nhận định, đợt bùng dịch mới đây tại Việt Nam đang gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và làm tăng rủi ro chất lượng tài sản các ngân hàng. Fitch cho rằng, xếp hạng tín nhiệm của các nhà băng sẽ vẫn vững vàng theo tính toán hiện tại, nhưng rủi ro sẽ tăng lên trừ khi Covid-19 được kiềm chế cũng như các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ trong quý III/2021.
Khoảng 95% các ca nhiễm mới COVID-19 của Việt Nam là sau ngày 30/6/2021 và có rất nhiều khu vực bị buộc phong tỏa. Các số liệu thống kê ban đầu đang cho thấy dấu hiệu hoạt động kinh tế và thị trường lao động bắt đầu suy yếu. Fitch cho rằng, khả năng trả nợ của bên vay tiền ngân hàng đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt với nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ trong ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như bán buôn, bán lẻ hàng hóa, du lịch dịch vụ.