Dư địa nào cho tăng trưởng?

Theo Ninh Hà/daibieunhandan.vn

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi các đợt dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro về thương mại quốc tế gia tăng… nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng qua vẫn duy trì nhiều mặt tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhất là trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhận định, trong những tháng cuối năm, dư địa tăng trưởng không còn nhiều, bởi vậy cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch phải khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Điểm nghẽn đầu tiên và cũng là lớn nhất hiện nay là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là tại các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam.

Dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ; sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề. Xuất khẩu có xu hướng chững lại như trong tháng 7 giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhập siêu 7 tháng đã lên mức 2,7 tỷ USD; rủi ro về tín dụng, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong những tháng cuối năm...

Là việc lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng cao, cụ thể, CPI tháng 7 đã tăng 0,62% và có nguy cơ tiếp tục tăng trong tháng tiếp theo nếu dịch bệnh kéo dài. Cân đối ngân sách có thể gặp khó khăn, thu nội địa giảm, ngân sách trung ương có thể phải tăng thêm chi tiêu cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký và hoạt động có xu hướng giảm mạnh, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 33,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,6%; gần 12,8 triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập...

Với những điểm nghẽn này, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay sẽ rất khó khăn. Và dư địa căn cốt nhất vẫn là kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách thể chế, có định hướng điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế. Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, tránh đứt gãy chuỗi cung - cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP, trong đó nêu rõ 5 mục tiêu và chỉ ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Để tạo dư địa cho tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như trong những năm tiếp theo, điều kiện tiên quyết vẫn là phải khống chế được dịch bệnh. Bởi theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế và y tế.