FTA và cuộc "rượt đuổi" của xuất khẩu - nhập siêu
Để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên cần giải quyết là khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của DN Việt Nam vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay.
Con dao hai lưỡi
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, là một nền kinh tế đang phát triển định hướng xuất khẩu, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhất là khi mà những lợi thế cạnh tranh tĩnh như nhân công giá rẻ, tài nguyên bão hòa hoặc đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm lại cần một chiến lược phát triển lâu dài.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, khả năng tận dụng các FTA để xuất khẩu của DN Việt Nam khá ấn tượng. Trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật Bản tăng 39,5% và 25%; sang Trung Quốc là 52% và 17%; sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%... Thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vào các thị trường thuộc các quốc gia đối tác trong FTA.
Tuy nhiên, đối nghịch với phía bên kia của viễn cảnh sáng lạn ấy, là áp lực Việt Nam đang trở thành địa chỉ tăng tốc xuất khẩu của các nước tham gia FTA. Ông Đào Ngọc Chương - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cảnh báo, việc mở cửa thị trường cũng đang tạo áp lực lên nhập siêu, nếu DN Việt Nam không tận dụng tốt các cơ hội từ FTA.
Trên thực tế, nhập siêu của Việt Nam đang ngày càng mở rộng về số lượng thị trường và luôn chịu nhập siêu từ khu vực thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Hơn nữa, đây là khu vực thị trường gần gũi về địa lý, rất thuận lợi cho giao dịch đầu tư, thương mại và hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều có định hướng xuất khẩu.
Điển hình như với thị trường Trung Quốc, từ vị thế xuất siêu trong giai đoạn 1991- 2000, từ 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ nhập khẩu trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng. Riêng năm 2012, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Hai tháng đầu năm 2013, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường hàng hóa nhập khẩu sang Việt Nam với kim ngạch ước tính khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc trở thành thị trường có mức nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ 2001 đến 2012, nhập siêu từ Đài Loan tăng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Cũng giống như vậy, với thị trường Hàn Quốc, cán cân thương mại giữa Việt Nam với nước này luôn trong tình trạng nhập siêu, với mức độ ngày càng tăng về giá trị tuyệt đối.
Thị trường Nhật Bản lại có phần khác, nếu giai đoạn 2001-2008, cán cân thương mại giữa hai nước khá cân bằng thì từ năm 2009 đến nay, nhập siêu từ Nhật Bản tăng mạnh. Năm 2012 nhập siêu từ Nhật Bản lên tới gần 9,9 tỷ USD, tương đương với 17,6% kim ngạch xuất khẩu…
Tỏ tường luật chơi, cơ hội sẽ mở
Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là các DN xuất khẩu của Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại. Đơn cử, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang khu vực ASEAN, chỉ 25% là có tận dụng các ưu đãi từ FTA giữa ASEAN và Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc, cũng chỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này là có sử dụng ưu đãi của FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).
Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,75%/ tổng kim ngạch nhập khẩu của liên minh này, trong đó chỉ 40% được hưởng mức thuế 0%. Hay như với Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu tôm khoảng 1,9 tỷ USD/năm, song kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ khiêm tốn dừng ở con số 450 triệu USD/năm.
“Khó có thể đong đếm cụ thể và chính xác những cơ hội và thách thức đối với các DN Việt Nam khi chúng ta tham gia các FTA, tuy nhiên không phải vì thế mà Việt Nam đứng ngoài các FTA”, ông Trần Thanh Hải phân tích.
Để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, các DN Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên cần giải quyết là khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của DN Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Hiện không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho DN mất đi lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một số DN còn lúng túng, chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác ký kết FTA với Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay. “Chúng ta chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà hiện đang phải nhập khẩu nhiều từ các thị trường không được tính giá xuất xứ ưu đãi, ông Hải cho biết.
Một thách thức khác nằm ở khả năng giảm thiểu chi phí thời gian và tiền bạc xin giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Chưa kể DN phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, như quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch hay quy chế 995/2010 (FLEGT) về nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.
Để vượt qua thách thức này đòi hỏi DN phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các DN cũng cần chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt nhất.