G7 ra sáng kiến đối trọng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc
Nhóm G7 vừa thảo luận một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển nhằm cạnh tranh với sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ trị giá nhiều nghìn tỷ đô la của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sáng kiến của G7 nhằm thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sau sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của nước này 40 năm qua, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác kỳ vọng sáng kiến "Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn" (B3W) sẽ giúp xây dựng các quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng một cách minh bạch khi các quốc gia đang phát triển cần tới 40 nghìn tỷ đô la cho lĩnh vực này vào năm 2035, Nhà Trắng cho biết.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết: "Đây không chỉ là vấn đề đối đầu hay cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đưa ra được một giải pháp thay thế tích cực nào khác phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức làm ăn của chúng tôi”.
Nhà Trắng cho biết G7 (Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản) và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến này để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới. Hiện chưa rõ kế hoạch sẽ được thực hiện ra sao và nó sẽ được phân bổ bao nhiêu tiền.
"Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc là một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá nhiều nghìn tỷ đô la mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013. Sáng kiến nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của Con đường Tơ lụa, một tuyến đường thương mại cổ xưa, để nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa.
Nhiều dự án đầu tư và phát triển trải dài từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa nằm trong sáng kiến này. Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến, ở các lĩnh vực như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Những người chỉ trích cho rằng sáng kiến này là phương tiện cho sự bành trướng của Trung Quốc.
Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc hàng đầu được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất thời gian gần đây, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Năm 1979, Trung Quốc có nền kinh tế nhỏ hơn Ý, nhưng sau khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thực hiện cải cách thị trường, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một trong những nước dẫn đầu về các công nghệ mới.
Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, có hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ USD có liên quan đến ‘Vành đai và Con đường’, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái cho biết khoảng 20% dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Nằm trong kế hoạch của G7, chính quyền Mỹ sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để bổ sung thêm nguồn kinh phí phát triển, hàng trăm tỷ đô la cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà Trắng cho biết.
Mỹ đang thúc các nhà lãnh đạo G7 khác có hành động cụ thể đối với vấn đề “lao động cưỡng bức” ở Trung Quốc và muốn đưa chỉ trích này vào bản tuyên bố sau 3 ngày họp ở Anh lần này.
Biden muốn gây sức ép với các nhà lãnh đạo khác để bản tuyên bố chỉ ra rằng lao động cưỡng bức là "một ví dụ nghiêm trọng về cạnh tranh kinh tế không công bằng của Trung Quốc".
Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về “lao động cưỡng bức” ở khu vực Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức đề nghị của báo chí bình luận về sáng kiến cơ sở hạ tầng của G7 hay nhận xét của quan chức Mỹ về “lao động cưỡng bức”.