G7 phản đối đồng tiền ảo Libra
Kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số với tên gọi Libra của Facebook đang phải đối mặt với một rào cản mới khi mà nhóm 7 quốc gia phát triển (G7) nói rằng không nên cho phép các đồng tiền ảo stablecoin như vậy cho đến khi những rủi ro mang tính quốc tế của chúng được giải quyết.
Cụ thể, trong báo cáo gửi tới các bộ trưởng tài chính đang nhóm họp tại Hội nghị thường niên mùa thu của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại Washington cuối tuần trước, nhóm công tác của G7 cho biết, khi được phát hành trên diện rộng, stablecoin (đồng tiền kỹ thuật số có mức giá cố định, giá trị thị trường của nó thường được gắn chặt với giá của một tài sản cố định, như USD) có thể đe dọa hệ thống tiền tệ và ổn định tài chính của thế giới.
Công nghệ mới nổi lên này, hiện không được kiểm soát và giống như các loại tiền ảo khác, có thể cản trở các nỗ lực xuyên biên giới nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; bên cạnh các rủi ro về an ninh mạng, trốn thuế và quyền riêng tư, báo cáo cho biết.
“G7 tin rằng không nên cho phép bất cứ dự án stablecoin toàn cầu nào bắt đầu hoạt động cho đến khi các thách thức pháp lý, kiểm soát và giám sát cũng như rủi ro” được xử lý, nhóm đặc nhiệm do Benoit Coeure – thành viên Hội đồng Thống đốc ECB làm Chủ tịch cho biết. Các thực thể thuộc khu vực tư nhân đang có kế hoạch phát hành các đồng tiền ảo stablecoin sẽ phải giải quyết một loạt các thách thức và rủi ro như đã nêu ở trên, báo cáo bổ sung.
Báo cáo cũng nhấn mạnh mối quan ngại của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu về đồng tiền ảo stablecoin như Libra và đặt ra một thách thức mới lớn hơn sau một tuần đầy khó khăn đối với dự án tiền ảo của Facebook.
Đáp lại, Hiệp hội Libra cho biết họ cam kết làm việc với các nhà quản lý. Hiệp hội cho biết trong một tuyên bố rằng, Libra được thiết kế để tôn trọng chủ quyền của các quốc gia đối với chính sách tiền tệ, cũng như các quy tắc chống rửa tiền và các nỗ lực khác để ngăn chặn tài chính bất hợp pháp. “Libra sẽ được thiết kế để làm việc với các tổ chức quản lý hiện có và áp dụng các biện pháp bảo vệ mà họ cung cấp cho thế giới kỹ thuật số - không phá vỡ, hoặc làm suy yếu chúng”, Hiệp hội Libra nói.
Kế hoạch tung ra đồng tiền ảo Libra được Facebook tiết lộ vào đầu tháng 6. Đây là một đồng tiền ảo dạng stablecoin được hỗ trợ bởi các loại tiền pháp định, từ đồng đôla đến đồng euro, và nợ chính phủ. Stablecoin được thiết kế để khắc phục sự biến động giá mạnh vốn gây nhiều khó khăn cho các đồng tiền ảo và khiến chúng trở nên quá rủi ro cho thương mại và thanh toán.
Facebook cho biết Libra được thiết kế để giải quyết sự thiếu hiệu quả trong hệ thống thanh toán toàn cầu, như phí cao, thời gian chuyển khoản dài và thiếu độ tin cậy. Đó là trở ngại, thậm chí nhiều trường hợp ngăn cản, mọi người thực hiện thanh toán xuyên biên giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra ngay lập tức đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt và kéo dài. Các nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về khả năng nó có thể gây bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu và làm giảm khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ của các quốc gia. Thậm chí một số ý kiến nói rằng nó có thể làm suy yếu quyền riêng tư của người dùng.
Báo cáo của G7 cho biết các cơ quan chức năng nên áp dụng với các đồng tiền ảo stablecoin các quy tắc hiện hành về thanh toán và chống rửa tiền, cũng như các tiêu chuẩn thị trường vốn và ngân hàng. Thậm chí có thể đưa ra các quy định mới nêu cần thiết để đối phó với công nghệ mới nổi lên này.
Liên quan đến những điểm yếu trong hệ thống thanh toán hiện nay, G7 cho biết các NHTW, các bộ tài chính và các cơ quan chức năng khác nên phối hợp để khắc phục những điểm yếu này. Đặc biệt, Báo cáo khuyến nghị, các NHTW (có thể một mình hoặc hợp tác) nên xem xét việc phát hành các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.