Gập ghềnh mua bán, sáp nhập ngân hàng
(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, chưa thương vụ hợp nhất, sáp nhập (M&A) ngân hàng nào được thông qua. Việc bán ngân hàng yếu cho đối tác nước ngoài cũng gặp nhiều trắc trở.
Ý định có, nhưng khó thực hiện
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8. Nghị quyết nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm, đồng thời thúc giục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu ngân hàng.
Đầu năm nay, thông tin sáp nhập được các ngân hàng rầm rộ công bố, trong đó hai thương vụ tiêu biểu nhất là Maritime Bank sáp nhập MDB và Southerbank sáp nhập Sacombank. Dù vậy, cho đến thời điểm này, phương án sáp nhập của hai thương vụ trên đều chưa được chuẩn y. Một loạt ngân hàng nhỏ từng bày tỏ mong muốn M&A như PGBank, VietABank, Viet Capital Bank… đến nay vẫn chưa tìm được đối tác để “kết duyên”.
Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc M&A các ngân hàng nhỏ với nhau, hoặc ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn là tất yếu, vì trong tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nếu không mở rộng quy mô, nâng cao sức mạnh, ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại.
Tuy nhiên, sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng trong lộ trình M&A cho thấy, M&A không phải là con đường dễ dàng.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trừ những ngân hàng đã bị mất thanh khoản, buộc phải sáp nhập gấp như Habubank, với những ngân hàng khác, việc M&A sẽ gặp nhiều vướng mắc, bởi xung đột về lợi ích giữa cổ đông hai bên, sự khó khăn trong tích hợp hai bộ máy, sự thống nhất về đường hướng hoạt động của ngân hàng hậu sáp nhập… Tuy nhiên, khó nhất vẫn là làm sao tìm được sự hài hòa giữa con người, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa vùng miền giữa hai ngân hàng.
Một so sánh khá khập khiễng, song cũng cho thấy sự phức tạp của một thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực tài chính là thương vụ hợp nhất giữa Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink và Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam.
Dù chủ trương sáp nhập hai công ty trên đã được Chính phủ đưa ra từ năm 2012, song đến nay, việc sáp nhập vẫn chưa thể thực hiện.
Bán cả ngân hàng cho nước ngoài: Không dễ
Không chỉ các thương vụ M&A giữa ngân hàng trong nước diễn ra chậm, mà ngay cả việc bán 100% vốn ngân hàng yếu cho đối tác hàng nước ngoài cũng không dễ dàng. Cuối năm 2013, UOB - ngân hàng Singapore - đang tiến hành đàm phán mua lại GPBank. Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng xác nhận, GPBank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài về việc mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này.
Ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ tài chính - ngân hàng của Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài nếu mua lại 100% ngân hàng yếu sẽ phải bỏ ra 3 - 4 năm để giải quyết các vấn đề.
Ở trong nước, việc tìm kiếm các nhà đầu tư có “tiền tươi” để xử lý các vấn đề của ngân hàng yếu kém, tương tự như DOJI đã rót tiền tái cơ cấu TPBank, là vấn đề khó nhất, bởi nếu không có tiền tươi, việc M&A để tái cơ cấu ngân hàng chỉ là thay vỏ.