Gấp rút giải ngân các dự án giao thông trọng điểm
Việc thúc đẩy đầu tư công, triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do đó, công tác giải ngân các dự án giao thông trọng điểm cần tiếp tục được rốt ráo triển khai.

Giải ngân thấp hơn bình quân cả nước
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, công tác giải ngân các dự án này vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 11/11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải với tổng số vốn là 87.533,1 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương là 74.538,7 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12.994,4 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã kịp thời duyệt dự toán để đảm bảo vốn cho các dự án.
Đến hết ngày 28/02/2025, tổng số vốn giải ngân của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 2.771,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,2% kế hoạch được giao (87.533,1 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.375,6 tỷ đồng, đạt 3,2%; vốn ngân sách địa phương là 395,9 tỷ đồng, đạt 3%.
Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân 02 tháng của cả nước (5,43%).
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua các địa phương, chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.
Về giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực; tuy nhiên tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương. Một số địa phương chậm bàn giao mặt bằng xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt là các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai.
Liên quan đến vật liệu xây dựng, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch hoàn thành các dự án.
Bên cạnh đó, triển khai thi công tại một số dự án còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Bắc Ninh. Đặc biệt tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Nai, Bình Dương, dự án thành phần 1 và 3 dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... triển khai thi công cũng chậm.
Vấn đề lựa chọn nhà đầu tư cũng còn gặp khó khăn, điển hình Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội phải điều chỉnh hồ sơ mời thầu, dự kiến ký hợp đồng và khởi công trong quý II/2025 cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm
Để đẩy nhanh các dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025...
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, việc thúc đẩy đầu tư công, triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, mở ra không gian phát triển mới, nâng cao giá trị gia tăng của đất, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển vào năm 2025 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước và thực hiện hiệu quả mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo sinh kế việc làm cho người dân, doanh nghiệp, đem lại giá trị gia tăng của đất đai, tạo không gian mới cho phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư…
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", đặc biệt tại các dự án thuộc nhóm đang chậm tiến độ, có khó khăn vướng mắc. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án phải rà soát, xây dựng tiến độ thi công chi tiết, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ để bù phần khối lượng thi công đã bị chậm, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 07 Đoàn kiểm tra và giao 07 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn, cùng các bộ, ngành kiểm tra trực tiếp tại hiện trường để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án thuộc danh mục 3.000 km đường bộ cao tốc hoàn thành trong năm 2025. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu… phải có văn bản, biên bản cam kết hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ và hoàn thành dự án trong năm 2025. Thủ tướng lưu ý sau các buổi kiểm tra, làm việc các bên phải xác định được các tồn tại, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ trên nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm" làm cơ sở để theo dõi, kiểm điểm.
Liên quan đến thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng còn nhiều vướng mắc, bất cập, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có mỏ đã cam kết phải thực hiện, đã nói là phải làm, tài nguyên là tài sản chung của đất nước, vì vậy không được giữ cho riêng địa phương mình. "Tuyệt đối không để tham nhũng, tham ô, tiêu cực trong cấp phép khai thác mỏ vật liệu", Thủ tướng chỉ đạo.