Giá bất động sản vẫn có thể giảm sâu được nữa?
(Tài chính) Các chủ đầu tư BĐS cho rằng, giá nhà hiện nay vẫn đang vượt quá mức thu nhập của người dân. Cơ cấu giá thành bất động sản hiện nay là bất hợp lý vì do các cơ chế, chính sách điều chỉnh...
Thu nhập bao nhiêu có thể mua được nhà?
Công ty CBRE Việt Nam cho biết, giá nhà ở Việt Nam trung bình cao gấp 25 lần so với thu nhập, trong khi khoảng cách tương đương tại các nước châu Âu là 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần và Singapore là 5,2 lần. Chính vì thế, ngay cả trong trường hợp thị trường BĐS đi xuống, giảm giá thì người có thu nhập thấp vẫn khó có khả năng mua được.
Bằng một phép tính đơn giản có thể thấy với một gia đình “làm công ăn lương” sau khi trừ hết các chi phí, dành dụm được từ 4 đến 5 triệu đồng một tháng, sẽ phải mất 20 đến 25 năm mới có thể mua được căn nhà 1 tỷ. Hiện, rất nhiều người có đủ thu nhập để thuê nhà với mức 5 triệu đồng/tháng, nhưng khi hỏi về khả năng họ có thể mua nhà mà không cần vay lãi ngân hàng không thì hầu như là không có.
Cùng nhận định quan điểm này này, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong một lần trao đổi với báo chí cho rẳng nếu chỉ trông vào lương thì người dân không thể mua được nhà. Ông Nam cho rằng, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể “với tới” nhà thu nhập thấp.
Bởi giá nhà quá cao, nên khi Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng kết hợp tung ra gói 30 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi để người dân có thể mua nhà trả góp trong 10 năm. Tuy nhiên, hiện tại với những điều kiện áp dụng như hiện nay thì không phải ai cũng có đủ tiêu chuẩn để được xét duyệt. Chưa kể giá nhà thương mại vẫn đang cao ngất ngưỡng vượt quá xa thu nhập.
Giá nhà vẫn có thể giảm sâu được
Để giảm giá nhà đang quá cao so với thu nhập của người lao động hiện nay, nhiều chủ đầu tư cũng kiến nghị nên sửa đổi cách thu tiền sử dụng đất theo cách thu hàng năm.
Theo ông ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT công ty CP Thù Đức House, thì cơ cấu giá thành của một căn hộ hoặc tòa nhà thì tiền sử dụng đất chiếm tương đối cao, từ 20 đến 30%.
Ông Hiếu nói rằng chỉ Việt Nam và một vài nước phải còn đóng thuế tiền sử dụng đất cho nhà nước một lần để sử dụng đất phát triển dự án, đa số các nước đều không thu như vậy mà quy ra một loại thuế đánh hàng năm, với tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1 đến 3%.
“Số tiền này cũng quay trở lại để đầu tư cho hạ tầng nơi ở của những người đóng thuế khi nhà nước phát triển hạ tầng. Trong trường hợp chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng thì nhà nước sẽ trả lại cho chủ đầu tư.”
Chia sẻ quan điểm này, nói với PV. Lao động ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nói rằng, hiện nay chủ đầu tư phải đóng thuế sử dụng đất hai lần. Một là phải đi mua đất của người dân nhưng mua đất thì chủ đầu tư không được quyền sử dụng mà nhà nước thu hồi đất rồi mới cấp lại. Muốn sử dụng thì chủ đầu tư phải đóng thêm một lần tiền sử dụng đất cho nhà nước.
Theo ông Châu, thay bằng nhà nước thu một lần tiền sử dụng đất với khoản tiền lớn thì cách thu tiền sử dụng đất hàng năm mới là thu bền vững.
“Tất cả những bất hợp lý này thì suy cho cùng người mua nhà phải hứng. Đây là một vấn nạn mà doanh nghiệp BĐS gánh chịu, tuy nhiên là sự gánh chịu ban đầu thôi chứ thực ra người tiêu dùng là những khách hàng mua nhà phải gánh chịu cuối cùng”, ông Châu nói.