Giá đất Sóc Sơn "chao đảo" sau thông tin quy hoạch đường Vành đai 4

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Giá đất tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội đã tăng chóng mặt, có nơi tăng giá gấp 3, 4 lần trong năm trước thông tin quy hoạch đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô.

Cửa hàng nước giải khát kiêm việc tư vấn BĐS 24/24 cho khách hàng tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn). (Ảnh: Lan Nhi)
Cửa hàng nước giải khát kiêm việc tư vấn BĐS 24/24 cho khách hàng tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn). (Ảnh: Lan Nhi)

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, việc "dựa hơi" hạ tầng để đẩy giá bán BĐS chính là chiêu thức của các "đội lái" để tạo sóng thị trường.

"Sốt" đất tràn về làng, xã

Với dự án đường Vành đai 4 có chiều dài 110 km, trong đó đoạn đi qua địa phận Hà Nội dài khoảng 56,5 km. Điểm bắt đầu từ km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) nối đến khu đô thị Mê Linh, huyện Mê Linh.

Từ khu đô thị Mê Linh vượt qua sông Hồng bằng cầu Hồng Hà, kéo dài đến xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Sau đó, từ Hồng Hà - Đan Phượng cắt ngang quốc lộ 32 nối đến xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Nhiều người dân gần đây nắm bắt thông tin dự án nhanh chóng đã liên tục đổ xô về địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn để rót vốn đầu tư kiếm lời. Đón sóng từ hồi đầu năm, ông P - người môi giới BĐS tại thôn Hữu Thượng, xã Thanh Xuân đã tranh thủ vừa bán hàng nước giải khát, vừa kiêm việc tư vấn cho những ai có nhu cầu ôm đất "vàng" tại đây.

"Giá đất tại Sóc Sơn đã tăng rục rịch trong những năm gần đây thế nhưng vẫn chưa đạt đỉnh. Từ ngày có thông tin dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, giá đất đai dọc theo tuyến đường 35, cắt ngang qua trường Tiểu học Tân Dân B liên tục sốt nóng theo từng ngày. Do có người quen làm trong dự án nên tôi nắm rõ và chi tiết. Khách có nhu cầu thì chỉ cần xuống tiền, mua nhanh chốt nhanh là có ngay đất trong tay", ông P chia sẻ.

Từ khi có thông tin dự án tuyến đường Vành đai 4 và dự án khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn được đẩy mạnh triển khai, nhiều người môi giới BĐS tại đây như ông P đã phải tạm gác lại công việc chính để tranh thủ dẫn mối, dẫn từng đoàn khách xem đất. Theo đó, trước kia đất làng, xã ở khu vực xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn chỉ dao động khoảng 3-4 triệu/m2 nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao ngất ngưởng khoảng 3-4 lần.

Anh M (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) chia sẻ: "Rất nhiều nhà đầu tư đã về đây xin hợp tác, đặt văn phòng tư vấn nhà đất. Từ ngày có thông tin dự án, giá nhà đất tại Sóc Sơn không ngừng tăng. Cao nhất là những mảnh nằm dọc theo tuyến đường 35, có mức giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhiều người dân đi làm công nhân trong Nam, khi nghe tin sốt đất cũng vội vàng nghỉ việc, về quê cắm biển rao bán đất".

Cuộc đua phân lô, bán nền

Chạy theo "cơn sốt" của dự án, anh T, huyện Sóc Sơn cũng nhanh chóng phân lô, chia thửa đất rộng 300 m2 của mình thành nhiều mảnh nhỏ. Theo anh T, đây là xu hướng chung mà nhiều bà con trong làng, xã đều làm khi thấy giá đất đột ngột tăng cao.

"Tôi đang rao bán 3 mảnh đất thổ cư với diện tích  từ 50-150 m2 với mức giá 40 triệu đồng/m2. Từ khi dự án rục rịch, đã có rất nhiều nhà đầu tư về đây đặt cọc mua đất đầu tư lâu dài. Việc mua bán đất ở đây bây giờ rất thuận tiện, có xu hướng lãi chứ không bao giờ thiệt. Khách hàng chỉ cần đặt đủ tiền, còn toàn bộ giấy tờ, thủ tục đã có các trung tâm đo đạc mọc nhan nhản trên tuyến đường lo liệu với chi phí rất hợp lý", anh T cho biết.

Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc "dựa hơi" hạ tầng để đẩy giá bán BĐS chính là chiêu thức của các "đội lái" để tạo sóng thị trường. Vì hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho BĐS lân cận.

Cần lưu ý với các nhà đầu tư, việc thực hiện các dự án hạ tầng hiện nay đều mang tính "dài hơi", đất đai là kênh đầu tư của người có nguồn tiền nhàn rỗi. Người đầu tư khi quan tâm cần phải khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ về quy hoạch, nguồn đầu tư, thời gian đầu tư và lựa chọn vị trí đất có tính thanh khoản. Tuyệt đối không đầu tư đất lúa, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản.