Giá dầu cao đẩy Ai Cập vào nguy cơ khủng hoảng ngân sách
Ai Cập đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách và có thể sẽ phải tiếp tục đi vay nợ do giá dầu mỏ ngày càng tăng cao trên thị trường thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách của Ai Cập đã dựa trên mức giá dầu 55 USD/thùng để đưa ra tính toán tổng chi ngân sách tài khóa 2017/2018. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng vọt lên 70 USD/thùng hiện nay. Điều này có thể sẽ đẩy Ai Cập vào viễn cảnh mất cân đối ngân sach, do thâm hụt gia tăng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Ai Cập Mohamed Moiet nói: “Chúng tôi đã không dự tính được giá dầu tăng mạnh như hiện nay. Sự leo thang của giá dầu sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng vọt lên”.
Theo đánh giá, mức tăng 15 USD/thùng của giá dầu thời gian qua sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Ai Cập tăng thêm 2,3 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2018. Đất nước Kim tự tháp dựa chủ yếu vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, chủ yếu từ Saudi Arabia ( Ả rập Xê – út) và Iraq ( I – rắc). Ước tính, Ai Cập sẽ chi tới 9,5 tỷ USD để nhập khẩu dầu mỏ để đáp ứng như cầu năng lượng trong nước trong tài khóa này. Cairo mới đây đã gia hạn hợp đồng nhập khẩu 12 triệu thùng dầu từ Iraq trong năm tới.
Từ một nhà xuất khẩu năng lượng, AI Cập đã trở thành nước nhập khẩu ròng do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng như cầu càng gia tăng của thị trường nội địa. Cairo đang hy vọng dự án khai thác mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ Zohr, ở ngoài khơi Địa Trung Hải, sẽ giúp ngành năng lượng Ai Cập ổn định trở lại. Tuy vậy, chính sách trợ giá nhiên liệu trong nước là cả một vấn đề lớn.
Trong tài khóa 2016/2017, Ai Cập đã chi tới 2 tỷ USD để trợ giá nhiên liệu. Theo tính toán, con số này trong tài khóa 2017/2018 sẽ tăng lên 6,2 tỷ USD do đồng bảng mất giá thê thảm so với đồng USD, hậu quả của chính sách thả nổi đồng nội tệ được áp dụng hồi đầu tháng 11/2016. Sự thay đổi chính sách này cũng khiến nợ của Ai Cập gia tăng hàng năm. Cairo đã quyết định dành 1/3 tổng chi ngân sách 68 tỷ USD tài khóa 2017/2018 để thanh toán nợ nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách của Ai Cập đang hy vọng đưa thâm hụt ngân sách xuống còn 9,1 GDP tài khóa này và 4,4% GDP vào năm 2022, từ mức 12,5% GDP tài khóa 2016/2017.
Theo ông Moiet, đề bù đắp cho sự gia tăng của giá dầu cũng như hiệu ứng của nó đối với tổng chi ngân sách, Ai Cập sẽ buộc phải đi vay, kể cả vay từ các chủ nợ quốc tế và phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước và nước ngoài. Ông cho rằng đây là giải pháp duy nhất giúp Ai Cập khắc phục phần nào tình trạng thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đẩy tổng nợ của Ai Cập đã tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên đến 79 tỷ USD.
Khi các nước sản xuất dầu mỏ Arập đã áp dụng biện pháp tẩy chay không xuất khẩu dầu trong thế kỷ 20 dẫn tới một sự phát triển bùng nổ hoạt động khai thác dầu tại Alaska và sự phát triển tuyến đường ống dẫn dầu Xuyên Alaska, những đợt tăng mạnh giá dầu đã dẫn tới một sự phát triển thậm chí còn ấn tượng hơn các hoạt động khoan thăm dò khai thác trên toàn thế giới.
Sự phục hồi của các nền kinh tế khiến nhu cầu dầu mỏ đang ở mức tăng mạnh. Thế nhưng, giá nhiên liệu tiếp tực hướng tới những nấ cao mới rất có thể gây tác động lớn cho cả các nước sản xuất lẫn quốc gia tiêu thụ; đặc biệt là những nước đang phát triển hiện đang dẫn đầu cho đà tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù Ai Cập không phải là nước sản xuất dầu quan trọng, nhưng nước này lại đóng vai trò quan trọng trong tuyến vận chuyển dầu thô qua kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Suez – Địa Trung Hải.
Chính phủ Ai Cập đã và đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách bằng chính sách khuyến khích sản xuất trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và giảm kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cairo cũng đã nang các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước . Nhờ đó, kim ngạch nhập khẩu đã giảm đáng kể từ 66,3 tỷ USD năm 2016 xuống còn 55,8 tỷ USD năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu trong năm ngoái tăng 10% so với năm trước đó lên 22,4 tỷ USD.
Ngoài ra, từ tháng 11/2016, chính phủ Ai Cập cũng đã cắt giảm gần 50% mức trợ giá nhiên liệu nhằm giảm áp lực cho ngân sách. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi đã phải chi tiền nhiều hơn do giá dầu tăng mạnh trên các thị trường thế giới.
Theo kế hoạch, Ai Cập sẽ bỏ trợ cấp nhiên liệu từ tài khóa mới, bắt đầu vào tháng 7/2018. Song giới phân tích cảnh báo động thái này có thể dẫn đến làn song biểu tình tại đất nước vừa mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh sau làn song nổi dậy mùa Xuân Arập năm 2011. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là tầng lớp thu nhập thấp.