Giá dầu sẽ vượt mức 110USD/thùng nếu Nga thực sự cắt nguồn cung sang châu Âu?

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nga là nước cung cấp khí đốt và dầu vào Liên minh châu Âu (EU) lớn nhất trong năm ngoái, căng thẳng này đang vì thế mà đẩy cao giá dầu.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Giá dầu tăng khi mà cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraina đang có nhiều dấu hiệu leo thang.

Tối ngày thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh điều quân đến hai khu vực ly khai mới được Nga công nhận độc lập ở miền Đông Ukraina. Đến ngày thứ Ba, cổ phiếu trên thị trường châu Á – Thái Bình Dương giảm điểm bởi hàng loạt thông tin liên tiếp xung quanh tình hình Nga – Ukraina khiến cho nhà đầu tư không khỏi băn khoăn lo lắng.

Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hồng Kông kéo toàn thị trường giảm điểm, chỉ số mất 3,4% giao dịch trong phiên giao dịch buổi sáng. Cổ phiếu Alibaba giao dịch trên sàn Hồng Kông giảm 5,22% sau khi thông tin từ Bloomberg cho hay giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước giảm các giao dịch làm ăn kinh doanh với tập đoàn tài chính Ant do tỷ phú Jack Ma sáng lập.

Chỉ số Shanghai Composite trên thị trường Trung Quốc đại lục mất hơn 1% giá trị còn chỉ số Shenzhen của thị trường chứng khoán Thâm Quyến hạ 1,426%.

Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật cũng mất điểm đáng kể, mức hạ ghi nhận 2,17% còn chỉ số Topix mất 1,76% giá trị. Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi của thị trường này mất 1,87%.

Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia mất 1,5% giá trị.

Chỉ số MSCI của cổ phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật cũng sụt giảm 1,92%.

Sau khi Nga công bố công nhận độc lập của 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraina, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu trừng phạt hai khu vực ly khai này.

Trên thị trường châu Á phiên ngày thứ Ba, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 3,22% lên 94USD/thùng còn giá dầu Brent tăng 1,5% lên 96,82USD/thùng.

Căng thẳng leo thang đã gây ảnh hưởng đến tất cả các thị trường tài chính và hàng hóa, đẩy giá dầu tăng cao hơn. Vào ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phía Mỹ tin Putin đã quyết định tấn công Ukraina trong những ngày tới.

Hiện tại, Nga đã cử khoảng 150.000 quân đến dọc khu vực biên giới với Ukraina, chính quyền Biden vào tuần trước tuyên bố đã có thêm 7.000 lính được điều thêm đến khu vực này.

Căng thẳng quân sự leo thang đã khiến nhiều người lo ngại về khả năng Nga chuẩn bị tấn công Ukraina, thực tế này khiến cho nhiều người lo sợ về khả năng Kremlin sẽ tấn công và chiếm đóng trái phép giống như những gì đã làm tại Crimea vào năm 2014.

Nga là nước cung cấp khí đốt và dầu vào Liên minh châu Âu (EU) lớn nhất trong năm ngoái, căng thẳng này đang vì thế mà đẩy cao giá dầu.

Giá dầu gần đây đã vượt mức 90USD/thùng, như vậy tương đương mức tăng hơn 20% trong năm nay và tăng khoảng hơn 80% tính từ đầu năm 2021. Việc giá dầu tăng, tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nữa, ví như nguồn cung hạn chế.

Chủ tịch quỹ Lipow Oil Associates, ông Andy Lipow, dự báo giá dầu sẽ có thể lên mức 110USD/thùng nếu cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Nga – Ukraina hiện nay trở nên căng thẳng hơn.

“Nếu thực sự Nga cắt nguồn cung dầu sang châu Âu, tức tương đương khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày, giá dầu sẽ có thể tăng thêm ước chừng khoảng 10-15USD/thùng, như vậy giá dầu có thể chạm mức 110USD/thùng”, ông Lipow nói với CNBC.

“Thị trường dầu sẽ tăng mạnh nếu quân đội Nga thực sự tấn công vào Ukraina và sau đó sẽ chờ đợi xem nguồn cung thay thế đến từ đâu”, ông nói thêm.

Thỏa thuận nối lại hiệp định hạt nhân Iran năm 2015 dự kiến gần đạt được, nhiều khả năng sẽ mang đến cho thị trường hơn 1 triệu thùng dầu/ngày từ Iran nữa.

Ngoài ra, thị trường cũng đang tính đến sẽ có nguồn cung dầu bổ sung từ Saudi Arabia, UAE và Kuwait để tận dụng tối đa năng lực sản xuất thừa, ông ước tính lượng dầu bổ sung sẽ khoảng từ 3,5 đến 4 triệu thùng dầu/ngày.

Còn theo tính toán của chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Katrina Ell, công ty này ước tính căng thẳng địa chính trị đã khiến cho giá dầu tăng thêm từ 10-15USD/thùng.