Giá dầu thô lập đỉnh, nên mừng hay lo?

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Giá dầu thô lập đỉnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh gồm tích cực và tiêu cực, tuỳ vào từng lĩnh vực, nhưng lo ngại đang có phần gia tăng...

Giá dầu thô lập đỉnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh gồm tích cực và tiêu cực, tuỳ vào từng lĩnh vực. Nguồn: Internet
Giá dầu thô lập đỉnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh gồm tích cực và tiêu cực, tuỳ vào từng lĩnh vực. Nguồn: Internet

Nhu cầu năng lượng tăng cao

Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 8/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 91,50 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,20%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng được giao dịch ở mức giảm 0,58 USD, tương đương 0,62%, xuống 92,69 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu thô đã tăng trong tuần thứ bảy liên tiếp và tuần thứ 5 kể từ đầu năm bởi sự gia tăng lo ngại về “gián đoạn” nguồn cung do thời tiết khắc nghiệt của Mỹ và bất ổn chính trị đang diễn ra giữa các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho cho biết: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cảm thấy áp lực phải giảm lạm phát và cách nhanh nhất để làm điều đó là giảm giá năng lượng”. Theo các nhà phân tích, giá dầu thô đã tăng khoảng 20% trong năm nay và có khả năng vượt 100 USD/thùng do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh.

Theo nguồn tin từ Reuters, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quân đội Nga được triển khai tới Belarus theo những gì Moscow và Minsk nói sẽ diễn tập quân sự chung. Việc Nga xây dựng sự hiện diện của quân đội lớn gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về cuộc xâm lược có thể xảy ra. Các quan chức Mỹ và Đức đã thảo luận về các cách thức để ngăn chặn Nga, trong đó có thể bao gồm việc ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Trung Âu. Đồng thời, các nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đang phải vật lộn để bơm ở công suất cho phép của họ theo thỏa thuận OPEC + với Nga và các đồng minh để thêm 400.000 thùng mỗi ngày mỗi tháng.

Mới đây, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu dầu thế giới vào năm 2022, bất chấp biến thể Omicron và lãi suất dự kiến sẽ tăng. Trong đó, dự kiến việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ trong quý II sẽ trùng với mùa lái xe ở bán cầu bắc, điều này thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. “Các hành động tiền tệ được cho là sẽ không cản trở động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà là nhằm mục đích điều chỉnh lại các nền kinh tế đang phát triển quá nóng,” OPEC nhấn mạnh.

Thực tế, các nền kinh tế phát triển hiện nay thường ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng so với một thập kỷ trước đây do các ngành dịch vụ vốn tiêu thụ ít năng lượng hơn các ngành công nghiệp nặng, đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản lượng quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu không coi giá dầu tăng là mối đe dọa đối với sự phục hồi của châu lục này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Còn đối với Mỹ, nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, lại đang được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh khi đại dịch ở giai đoạn đỉnh điểm. Riêng những thị trường mới nổi và những quốc gia đang phát triển, thường nhạy cảm hơn với giá dầu tăng cao vì thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn hơn.

Nên mừng hay lo?

Tại Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8/2 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, do đó, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm ảnh hưởng đến giá nguyên, nhiên liệu trong nước.

Cụ thể, với các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ hầu hết các ngành đều sử dụng xăng dầu, tùy theo quy trình sản xuất từng ngành. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Trong đó, có những ngành chịu tác động mạnh như đánh bắt thủy sản hay vận tải. Vì vậy, bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu trên diện rộng.

“Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân cũng như mục tiêu an sinh xã hội. Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, và điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế”, vị TS phân tích.

Về câu hỏi, giá dầu thô lập đỉnh nên mừng hay lo, một chuyên gia kinh tế cho rằng, luôn có 2 mặt của một vấn đề bao gồm cả tích cực và tiêu cực, tác động hai mặt đến kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, về mặt tích cực, giá dầu thế giới tăng thì các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng theo, giúp tăng thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời tác động đến ngành khai khoáng, dầu khí, điển hình là giá cổ phiếu có thể hưởng lợi, thu hút các nhà đầu tư và cũng gián tiếp làm tăng tiền nộp thuế thu nhập của những doanh nghiệp này vào ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, về mặt tiêu cực, giá dầu thế giới tăng đè nặng lên áp lực lạm phát mà nguy cơ này đang được đề cập đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Chưa kể việc tiêu dùng của người dân phải thu hẹp lại, còn hoạt động của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng, thậm chí phải đẩy chi phí vào giá thành sản phẩm.

“Do vậy, mừng hay lo còn phụ thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề, nhưng xét ở bối cảnh chung, tác động tiêu cực sẽ hơn những tác động tích cực có thể mang lại”, vị chuyên gia nhận định.