Giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt” theo giá xăng

Theo T.Trang/ Báo Hậu Giang

Khi giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu đã có 3 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp, tổng cộng hơn 6.000 đồng/lít kể từ ngày 11-7. Người tiêu dùng vui mừng nhưng vẫn băn khoăn điều này có kéo được đà tăng của giá cả các loại hàng hóa khác hay lại điệp khúc “giá lên thì không có chuyện đi xuống”

Giá hàng hóa vẫn là nỗi lo cho người tiêu dùng dù giá xăng dầu đã giảm sau 3 kỳ điều chỉnh. Ảnh: T. Trang
Giá hàng hóa vẫn là nỗi lo cho người tiêu dùng dù giá xăng dầu đã giảm sau 3 kỳ điều chỉnh. Ảnh: T. Trang

Chưa giảm hoặc giảm nhỏ giọt

Nhiều bà nội trợ ngạc nhiên vì rau, củ, quả, các mặt hàng tươi sống tại chợ cũng còn đứng nguyên giá, thậm chí nhiều loại còn có tăng nhẹ dù xăng dầu đã giảm nhiều rồi. Bà Trần Thị Ngọc Thịnh, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Các loại đồ rẫy ngoài chợ giá chưa giảm, thịt lại tăng, còn đồ thủy hải sản thì giữ giá. Vài loại rau, củ có giảm 1.000-2.000 đồng/kg tùy bữa chợ, mặt hàng nào rộ, nguồn về chợ bữa đó nhiều thì giá giảm và ngược lại hàng khan hiếm, thời tiết thất thường thì lên giá”.

Tại chợ Vị Thanh, giá một số loại nông sản mấy tuần qua hầu như không biến động nhiều. Cụ thể, bí đỏ cũng còn 19.000-20.000 đồng/trái (khoảng 12.000 đồng/kg bằng với cách đây 2 tuần), cà tím, khổ qua có giá 12.000 đồng/kg, hành lá, đậu que 24.000 đồng/kg, xà lách xoong 8.000 đồng/bó. Các loại cá nuôi giữ giá dù hiện phải cạnh tranh với nguồn cá đồng về chợ nhiều hơn. Cá lóc nuôi, cá điêu hồng giữ mức 50.000 đồng/kg, ếch 55.000 đồng/kg, cá rô 60.000 đồng/kg, còn lươn đồng, cá lóc đồng giá từ 100.000 đồng/kg trở lên tùy kích cỡ, cá chốt 70.000-80.000 đồng/kg…

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh, thịt heo là một trong số các mặt hàng tăng giá, trong tháng qua tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Thịt đùi heo có giá 90.000 đồng/kg, cốt lết 120.000 đồng/kg, sườn heo 140.000-150.000 đồng/kg tùy chợ. Theo tiểu thương, giá heo hơi quanh mốc khoảng 70.000 đồng/kg, có mấy ngày nay xuống còn 67.000 đồng, còn chi phí thức ăn chăn nuôi chưa hạ nhiệt nên nhiều người chăn nuôi còn chưa mặn mà, dù yếu tố xăng dầu tuy có giảm nhưng chỉ là một phần.

Còn các mặt hàng thịt gia cầm giá tăng trong 2 tuần vừa rồi và vẫn neo khá cao. Bà Lê Thị Hòa, bán tại chợ Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, thông tin: “Gà vườn bán ra hiện nay là 110.000 đồng/kg, còn vịt khoảng 52.000 đồng/kg, lên từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đợt mưa kéo dài rồi nắng gắt làm gà vịt thiệt hại nhiều, nguồn cung về chợ giảm hẳn, có bữa còn không có hàng nên giá lên.

Khó giảm ngay vì nhiều nguyên nhân

Tại các sạp tạp hóa, kinh doanh thực phẩm công nghệ như nước mắm, đường, bột ngọt, đồ khô… một số mặt hàng chưa giảm thậm chí còn tăng giá. Các loại đồ đóng gói giá chưa giảm, một số loại sữa, cà phê gói còn điều chỉnh tăng. Chỉ có dầu ăn là đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/lít nhưng mức này vẫn còn cao so với trước đây. Tiểu thương than phiền cũng muốn giá bán giảm để giữ khách nhưng do hàng hóa nhập về giá cao nên giá bán lẻ chưa giảm.

Không chỉ các mặt hàng thực phẩm mà các hàng hóa khác cũng có xu hướng tương tự. Bà Nguyễn Thị Thu Thu, bán quần áo may sẵn tại chợ Long Mỹ, giải thích: “Giá các loại quần áo may sẵn nhập về tăng khoảng 10-20% và không có dấu hiệu giảm lại như trước. Bởi những xưởng may chỗ tôi lấy hàng làm theo từng đợt với số lượng lớn và nguyên liệu chuẩn bị trước nên không thể điều chỉnh giá chỉ trong một hai ngày, cộng thêm khó khăn về nguồn lao động, chi phí nhân công không giảm để giữ chân người làm”.

Từ lý giải của một bộ phận tiểu thương cho rằng xăng, dầu chỉ là một phần vì còn các yếu tố về nguyên liệu sản xuất, cung cầu chiếm vai trò lớn trong cơ cấu hình thành giá. Mới chỉ xăng giảm trong khi các chi phí sản xuất, nguyên liệu vẫn chưa giảm thì “lực” này chưa đủ để kéo giá thành sản phẩm trở về mặt bằng giá trước đây. Tương tự khi giá xăng tăng, cũng cần mất một khoảng thời gian nhất định thì mức giá điều chỉnh mới ra thị trường. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận khi giá xăng vừa tăng thì tác động diễn ra “tức thì”, không trừ trường hợp vì lợi nhuận mà tư thương “té nước theo mưa” và giữ giá càng lâu càng tốt, không chủ động điều chỉnh tạo thành tiền lệ xấu và tác động tiêu cực lên thị trường, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý rà soát, đối chiếu và chấn chỉnh.

Trước tình trạng hiện nay, dù giá xăng dầu đã bắt đầu giảm nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng cung cầu hàng hóa và đời sống người dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện gửi Tổng Cục Quản lý thị trường, các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố về tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường giám sát, quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát các trường hợp có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa có diễn biến bất thường để thu lời bất chính.