Ngành Hải quan:
Kiểm soát chặt chẽ về mã, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu để chống thất thu ngân sách
Nhờ việc chú trọng vào công tác quản lý trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm khai sai mã hàng, trị giá hàng hóa, qua đó kiến nghị thu nộp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Điều này cho thấy, cơ quan hải quan đã không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, mà còn làm tốt việc quản lý hải quan, qua đó kịp thời truy thu tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, miễn giảm thuế theo đúng quy định
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý thuế xuất nhập khẩu đã được thực hiện hiệu quả, góp phần thu đúng, thu đủ và chống thất thu ngân sách nhà nước, qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, cơ quan hải quan đã triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế xuất nhập khẩu qua kiểm soát giá, mã hàng hóa trên Hệ thống quản lý dữ liệu giá tính thuế (GTT02).
Nhằm đảm bảo một mặt hàng chỉ có một mã số theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, cơ quan hải quan đã rà soát, chuẩn hóa các thông tin trên hệ thống thông tin quản lý Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế (MHS) làm cơ sở cho công chức hải quan tra cứu, đối chiếu khi thực hiện phân loại hàng hóa, đảm bảo một mặt hàng chỉ có một mã số theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của cục hải quan các tỉnh, thành phố.
Liên quan đến trị giá hải quan đối với các mặt hàng đá xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã kịp thời hướng dẫn, xử lý vướng mắc của các đơn vị tại các địa phương, doanh nghiệp; xử lý vướng mắc của Công ty Samsung về xác định trị giá hàng nhập khẩu khu phi thuế quan; tham gia họp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bàn về đơn “kêu cứu” của 7 doanh nghiệp và việc xác định trị giá hải quan mặt hàng quặng sắt xuất khẩu...
Theo thống kê, đến hết ngày 31/5/2022, cơ quan hải quan đã thực hiện miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền 3,8 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện không thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ với số tiền thuế GTGT không thu là 60,2 tỷ đồng, thuế nhập khẩu không thu là 1,4 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn thực hiện kê khai thuế suất thuế GTGT, xác định tên và áp dụng mã HS của hàng hóa nhập khẩu không được giảm thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Nhờ đó, đến ngày 21/6/2022, cơ quan hải quan đã thực hiện miễn, giảm thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP với số tiền tương ứng 7.995 tỷ đồng.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trị giá hải quan
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý thuế, Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu) đã phối hợp với cấp có thẩm quyền xây dựng báo cáo, nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Nhằm tiếp tục phát triển hệ thống quản lý trị giá hải quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng Đề án cải cách quản lý trị giá hải quan giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Đề án này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trị giá hải quan trên nền tảng hệ thống chính sách minh bạch.
Đặc biệt, việc kiểm soát về giá thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, thời gian qua, ngành Hải quan đã tích cực triển khai và đạt những kết quả tích cực. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan địa phương áp dụng Danh mục hàng hóa có rủi ro về trị giá với 951 mã HS 8 số và 7146 dòng hàng có mức giá tham chiếu, từ đó ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp kê khai sai về trị giá, xác định lại trị giá hải quan, trị giá tính thuế phù hợp hàng hóa thực tế. Việc triển khai Danh mục hàng hóa có rủi ro về trị giá đã góp phần tăng thêm về thu thuế do tham vấn giá khoảng 180 tỷ đồng.
Công tác kiểm soát về mã số hàng hóa cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng triển khai toàn diện trong toàn Ngành. Tổng cục Hải quan đã ban hành 53 thông báo xác định trước mã số. Bên cạnh đó, qua công tác trực ban, cơ quan hải quan đã phát hiện các trường hợp khai sai mã hàng, trị giá hàng hóa; qua đó chỉ đạo kiểm tra nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu, thép phế liệu, rượu vang… Kết quả từ công tác trực ban đã truy thu được số tiền 2,5 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, nhờ việc chú trọng vào công tác quản lý trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm khai sai mã hàng, trị giá hàng hóa, qua đó kiến nghị thu nộp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Điều này cho thấy, cơ quan hải quan đã không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, mà còn làm tốt việc quản lý hải quan, qua đó kịp thời truy thu tiền thuế vào ngân sách nhà nước.