Gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê

Theo Xuân Hiền và Hoàng Long/nhandan.com.vn

Việt Nam là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối (robusta), đứng thứ hai về cà phê nhân, với kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD. Nhưng hơn 90% sản lượng cà phê được xuất khẩu thô, cho nên có giá trị gia tăng thấp. Ðể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

Người dân thu hái cà-phê tại xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (Ðiện Biên).
Người dân thu hái cà-phê tại xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (Ðiện Biên).

Chuyển hướng chế biến sâu

Cả nước hiện có gần 100 cơ sở và nhà máy sơ chế cà phê nhân phục vụ xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn, nhưng công suất thực tế là 1,26 triệu tấn (bằng 83,6% công suất thiết kế). Chế biến cà phê rang xay có 160 cơ sở và nhà máy, với tổng công suất thiết kế gần 52 nghìn tấn sản phẩm/năm, công suất thực tế chỉ hơn 26 nghìn tấn (chỉ đạt 50,5% so với công suất thiết kế). Chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, có tám nhà máy quy mô lớn với tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn/năm (công suất hoạt động thực tế đạt 97,9%). Chế biến cà phê hòa tan phối trộn “3 trong 1”, và “2 trong 1”..., hiện có 11 nhà máy quy mô lớn, với tổng công suất gần 140 nghìn tấn/năm (công suất thực tế đạt 81,6%).

Ðể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng phát triển cây cà phê trong những năm tới là: Ổn định khoảng 600 nghìn ha cà phê trên toàn quốc, phấn đấu đưa năng suất trung bình lên từ 2,7 đến 3,0 tấn/ha. Ðến năm 2020, tái canh cà phê đạt 120 nghìn ha. Cùng với nâng cao chất lượng cà phê nhân nguyên liệu, các nhà máy và cơ sở chế biến tăng tỷ lệ cà phê nhân được chế biến quy mô công nghiệp. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê nhân và cà phê tiêu dùng đến năm 2020 đạt từ 3,8 đến 4,2 tỷ USD/năm, định hướng đến năm 2030 đạt 4,5 tỷ USD/năm.

Trên cơ sở định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, các nhà máy, cơ sở chế biến tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Theo đó, không khuyến khích đầu tư xây dựng mới, hoặc mở rộng công suất thiết kế đối với các cơ sở chế biến cà phê nhân, mà tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến hiện có để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Phấn đấu tăng sản lượng chế biến cà phê rang xay hiện nay lên 50 nghìn tấn/năm (trên 90% công suất thiết kế) vào năm 2020.

Ðồng thời, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Phấn đấu chế biến cà phê hòa tan nguyên chất đạt 55 nghìn tấn/năm vào năm 2020, tăng lên 120 nghìn tấn/năm vào năm 2030. Chế biến cà phê hòa tan phối trộn “3 trong 1”, “2 trong 1”... đạt 200 nghìn tấn/năm vào năm 2020, định hướng đến năm 2030 đạt 230 nghìn tấn/năm. Ðến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng trong nước của cà phê chế biến sâu đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến cà phê. Bên cạnh đó tập trung phát triển một số loại sản phẩm mới từ cà phê như sản xuất caphein, tách chiết axit chlorogenic từ cà phê xanh,...

Ðổi mới cơ chế, chính sách

Ðể sản xuất phát triển cà phê bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê, một mặt, các địa phương cần tăng cường tháo gỡ khó khăn để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cho tái canh và ghép cải tạo trên địa bàn. Mặt khác các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành. Trong đó, khuyến khích thành lập quỹ xúc tiến thương mại, quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu cà-phê trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đầu tư chọn tạo giống cà phê tốt, thích ứng biến đổi khí hậu. Chuẩn bị tốt nguồn giống bảo đảm chất lượng để tái canh cà phê; hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh phù hợp từng điều kiện cụ thể; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái; ứng dụng công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân phục vụ xuất khẩu.

Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ cà phê trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến; ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến công trong sản xuất, chế biến qua hỗ trợ đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và cà phê tiêu dùng. Ðồng thời, tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến, kết nối chế biến với tiêu thụ qua hình thức liên doanh liên kết. Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các hội, hiệp hội theo hướng hiệu quả, nhất là chủ động xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trở thành "cánh tay nối dài" trong công tác quản lý nhà nước.

 

Hiện cả nước có hơn 640 nghìn ha cà-phê, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 600 nghìn ha. Năng suất cà-phê trung bình đạt 2,3 tấn/ha. Sản lượng đạt 1,37 triệu tấn (trong đó 97% là cà-phê vối, còn lại là cà-phê chè và một số rất ít cà-phê mít). Nhưng chỉ có khoảng trên dưới 10% sản lượng cà phê hằng năm được sử dụng để chế biến ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như cà-phê bột, cà-phê hòa tan,... phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)