Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng bẫy tăng giá

Theo Ngọc Anh/diendandoanhnghiep.vn

Giá vàng tuần tới có thể sẽ chịu áp lực chốt lời do các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đóng trạng thái có lãi trước khi nghỉ lễ Noel và năm mới 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong tuần qua, giá vàng quốc tế đã cú giảm mạnh từ mức 1.791 USD/oz xuống tới mức 1.753 USD/oz, nhưng sau đó lại phục hồi mạnh mẽ trở lại lên mức 1.815 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.797 USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã có cú giảm đầu tuần từ mức 61,7 triệu đồng/lượng xuống mức 61,2 triệu đồng/lượng, sau đó lại phục hồi lên mức 61,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giao dịch vàng vẫn rất trầm lắng.

Sở dĩ giá vàng giảm mạnh đầu tuần là do tại cuộc họp vừa qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định thu hẹp thêm chương trình nới lỏng định lượng (QE) để sớm chấm dứt chương trình này. Theo đó, Fed sẽ chỉ mua 60 tỷ USD trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp hàng tháng bắt đầu từ tháng 1/2022. Đồng thời, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản 3 lần trong năm 2022. Điều này cho thấy Fed bắt đầu quan ngại sâu sắc về áp lực lạm phát, đồng thời lạc quan về đà phục hồi kinh tế Mỹ. Khi Fed siết chặt tiền tệ, sẽ làm tăng lợi suất trái phiếu và giá đồng USD, qua đó tác động tiêu cực đến giá vàng. Đó là lý do giá vàng đã giảm mạnh sau quyết định của Fed.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà đầu tư lại cho rằng Fed đã quá “mạnh miệng” khi tuyên bố đẩy mạnh siết chặt tiền tệ theo kế hoạch trên và sẽ phải thay đổi lại kế hoạch này trong năm tới, có nghĩa Fed sẽ không tăng tới 3 lần lãi suất như dự kiến. Bởi vì mục tiêu đầu tiên của kế hoạch nới lỏng tiền tệ của Fed là phục hồi thị trường lao động, qua đó kích thích phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên đến nay, số lượng việc làm tháng 11 của Mỹ chỉ đạt 210.000 việc làm, trong khi số liệu này trước dịch COVID-19 lên tới trên 1 triệu việc làm. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khi biến chủng Omicron có tốc độ lây lan chóng mặt với nguy cơ tái nhiễm gấp 4-5 lần Delta, thậm chí mức độ nguy hiểm cũng không kém biến thể Delta theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London.

Vì vậy, kinh tế Mỹ nói chung và thị trường lao động nước này nói riêng chưa thể phục hồi mạnh mẽ như dự kiến của FED. Đây chính là lý do giá vàng đã quay đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại lên mức 1.815USD/oz vào cuối tuần này.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh bẫy tăng giá vàng. Bởi tuần tới là tuần cuối cùng trước khi các nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ lễ Noel và năm mới 2022. Do đó, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư sẽ thường chốt lời mạnh những trạng thái có lãi để nghỉ lễ dài ngày, khiến giá vàng chịu áp lực điều chỉnh.

Các nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh bẫy tăng giá vàng tuần tới
Các nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh bẫy tăng giá vàng tuần tới

Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích của Tập đoàn Gainesville Coins precious metals, cho rằng: Chúng ta đang bước vào cuối tháng 12, cũng là cuối quý IV, đồng thời cũng là thời điếm cuối năm 2021. Do đó, lượng giao dịch vàng sẽ giảm mạnh do các nhà đầu tư ngừng giao dịch, trong đó nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư sẽ chốt lời. Do đó, giá vàng tuần tới có nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 1.800USD/oz mỗi khi giá vàng tuần tới tăng vượt mức này. Đây là bẫy tăng giá vàng tuần tới mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Tuy nhiên, từ tháng 1/2022, giá vàng sẽ tăng trở lại, nhưng cũng sẽ bị mắc kẹt trong biên độ từ 1.750- 1.850USD/oz vì có nhiều yếu tố vẫn tác động trái chiều đến giá vàng.

Trong tuần tới, Mỹ công bố một số chỉ số kinh tế quan trọng, như GDP sửa đổi quý III, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đơn đặt hàng hóa bền lâu… Nếu GDP quý III tăng vượt qua mức 2,1% thì sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới. Ngược lại số liệu này vẫn ở mức 2,1% hoặc thấp hơn, thì sẽ hỗ trợ cho giá vàng tuần tới.