Giải mã ẩn số vốn gián tiếp

Anh Việt (ĐTCK)

Giới chuyên gia gần đây đều dự báo, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) rót vào thị trường vốn Việt Nam trong năm 2009 có thể sẽ suy giảm do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy, lượng hóa con số để chuẩn bị những kịch bản đối phó và thúc đẩy nguồn lực trong nước đang là mối quan tâm của không chỉ cơ quan quản lý, mà cả các nhà làm luật tại Quốc hội.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital nhận xét, VN-Index đang ở mức giá hợp lý, song không rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác. Theo tính toán của Dragon Capital và Bloomberg, P/E 2009 của TTCK Việt Nam là 10,2, thấp hơn Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc, cao hơn Thái Lan, Indonesia, Anh, Đức, Pháp. Do tình trạng tăng vốn, pha loãng cổ phiếu ồ ạt năm 2007, tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các DN niêm yết (tính trung bình năm 2008, lấy cơ sở dữ liệu là 10 DN niêm yết lớn) giảm 22,3%; năm 2009 tình hình này khả quan hơn với 7,7% và đạt 19,2% trong năm 2010. Tương tự, lợi nhuận sau thuế năm 2008 của các DN ước giảm 10%. Một lưu ý nữa là các DN hàng đầu Việt Nam hiện phải trả mức lãi suất 12% cho các khoản vay bằng trái phiếu. Đây là mức lãi suất không nhỏ trong tương quan và diễn biến lãi suất năm 2009.

Theo thống kê, từ tháng 9/2008, nhà ĐTNN bán ròng 101 triệu USD cổ phiếu và 1,6 tỷ USD trái phiếu, song áp lực bán đã mất hẳn trong thời gian gần đây. Khối ngoại hiện nắm giữ 19% lượng cổ phiếu của HOSE và 14% lượng cổ phiếu của HASTC. Dragon Capital cho biết, dự báo vốn đầu tư gián tiếp vào các nước đang phát triển giảm khoảng 34% trong năm 2009 (600 tỷ USD) và dự báo về đầu tư gián tiếp liên tục được hiệu chỉnh giảm. Năm 2007, Việt Nam nhận khoảng 0,87% tổng vốn đầu tư gián tiếp vào các nước đang phát triển (ước 1.000 tỷ USD), con số này đã xuống gần 0 trong năm 2008 và dự báo sẽ rất thấp trong năm 2009. Ngoài lý do đã đề cập là TTCK Việt Nam hiện có mức giá không đắt song cũng không rẻ, Dragon Capital đề cập đến nhật xét gần đây của HSBC khi cho rằng, TTCK Việt Nam quá nhỏ, tổng vốn hóa thị trường hiện tại khoảng 13,2 tỷ USD, do vậy sẽ không nhận được sự quan tâm của NĐT lớn. Diễn biến trên thị trường trái phiếu Việt Nam thì sao? Theo ông Dominic, trong năm 2007 - đầu năm 2008, nhà ĐTNN đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu, điều này phần nào giải thích cho sự thành công trong việc huy động 68.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2007, còn hiện nay trái phiếu Việt Nam bằng đồng USD phát hành ở nước ngoài đang giao dịch ở mức lợi suất 9,5%, vì vậy việc huy động vốn quốc tế ở mức giá hợp lý là không dễ dàng. Nhiều đợt phát hành trái phiếu gần đây không thành công, dự kiến năm 2009 nhà ĐTNN sẽ ít đổ tiền vào thị trường Việt Nam, như vậy việc huy động hơn 80.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2009 sẽ rất khó khăn.

Theo CTCK Bản Việt, hiện khối ngoại chỉ còn giữ khoảng 500 triệu USD trái phiếu chính phủ (đầu năm 2008 là 3 tỷ USD). Yếu tố tác động lớn đến động thái của nhà ĐTNN là những diễn biến kinh tế tại Việt Nam có thể xảy ra như hệ quả tác động của các chính sách trên thế giới và nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, sức cầu thế giới dự kiến sụt giảm hơn 1.000 tỷ USD do giá trị tài sản tài chính sụt giảm (ước 26.000 tỷ USD), hầu hết đối tác thương mại của Việt Nam đã và đang rơi vào suy thoái, giá cả hàng hóa giảm trong nửa đầu năm 2009. Trong khi đó, các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam đều đang áp dụng chính sách trượt giá đồng nội tệ, đơn cử năm 2008 Thái Lan giảm giá đồng nội tệ 16%, Indonesia 17% (Việt Nam là 8,6%). Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt dự báo, nhà ĐTNN sẽ tiếp tục bán ra trái phiếu do lo ngại rủi ro tăng lên.

Với những thách thức như vậy, Việt Nam có thể làm gì để thích ứng với khủng hoảng. Đây chính là chủ đề cuộc hội thảo hôm 9/1 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế đầu ngành và nhiều quỹ đầu tư. Tại đây, lãi suất và chính sách tỷ giá được đề cập và phân tích như một van điều tiết trước biến động của dòng vốn nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, với Việt Nam chính sách tỷ giá trong năm 2009 nhằm mục đích giải bài toán cán cân thanh toán là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ông Scott Robertson, chuyên viên kinh tế cao cấp của Dragon Capital lại cho rằng, phá giá đồng tiền nhằm thúc đẩy xuất khẩu là một nhận thức sai lầm ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam, phá giá nhẹ đồng nội tệ chưa chắc đã thúc đẩy xuất khẩu. Nguyên do là trước kia, chênh lệch lãi suất VND và lãi suất USD tới 13%, nên không chỉ NĐT, ngay cả các nhà xuất khẩu đều không muốn giữ USD, nay chênh lệch lãi suất VND và USD chỉ còn 5%, hệ quả là hầu như không có NĐT nào muốn giữ VND. "Vấn đề ở đây là cần duy trì lãi suất hợp lý để NĐT vẫn giữ VND, thay USD như hiện nay", ông Scott nêu vấn đề.

Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, nếu vốn ngoại giảm, Việt Nam cần huy động vốn trong nước một cách hiệu quả. Dự báo, trong một vài tháng tới đây, ngân hàng và cả DN có thể ứ vốn, đồng thời với đặc thù nền kinh tế đôla hóa cao như Việt Nam, nên xem xét phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ. Với TTCK, dù đang chịu những biến động mạnh, cơ quan quản lý cần sớm thành lập thị trường OTC, niêm yết các DN lớn đã cổ phần hóa như Sabeco, VCB, Habeco, Vietinbank theo đúng lộ trình và quan trọng là không can thiệp "bình ổn thị trường".