Giải mã "cú rơi" của Vn-Index
Chỉ số VN-Index đánh mất mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm, mặc dù một số chuyên gia đã có những cảnh báo về đợt điều chỉnh, nhưng thị trường vẫn có phần bất ngờ trước đà sụt giảm mạnh.
Tuần trước, Vn-Index chinh phục mốc 1.000 điểm dựa trên các cổ phiếu vốn hóa lớn, nên khi các cổ phiếu này vấp phải áp lực chốt lời dẫn đến quay đầu giảm giá, trong khi không có các trụ nhỏ hơn giúp chống đỡ giải tỏa bớt áp lực.
Trước đó đã có ý kiến cho rằng việc thị trường cơ sở rơi mạnh trong những phiên vừa qua là do tác động từ thị trường phái sinh, bởi diễn biến đi xuống của thị trường trùng với thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh F1903. Tuy nhiên, nhận định này đã bị các chuyên gia loại bỏ và khẳng định nguyên nhân xuất phát từ chính thị trường cơ sở.
Theo ông Trần Quang Khải, Phòng Tư vấn khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán Rồng Việt, thị trường hoàn toàn điều chỉnh một cách tự nhiên chứ không hẳn vì tác động bên ngoài hay yếu tố đáo hạn hợp đồng phái sinh.
Ông Khải lý giải "cú rơi" vừa qua của Vn-Index đến từ hai nhân tố chính, đó là việc "gãy trụ" và giao dịch của khối ngoại khi mà khối này gần như mua ròng trong hai tháng đầu năm, sang tháng 3 vẫn còn mua ròng nhưng lượng mua đã giảm đi, số phiên bán ròng tăng lên.
Ngay cả với chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF, vốn được khối ngoại mua ròng khá mạnh và quỹ cũng liên tục phát hành mới nhưng khối lượng mua ngày càng nhỏ dần, gần đây chỉ mua trung bình gần 2 triệu chứng chỉ quỹ/ngày.
Hơn nữa, ngoài việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ đủ mạnh và bền vững ở giai đoạn hiện tại, giao dịch của các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng với tâm lý "ăn non" đã khiến thị trường không thể bứt phá rõ nét.
"Thị trường đã tăng từ 860 điểm lên 1.015 điểm, tương ứng tăng hơn 150 điểm, thì việc giảm vài chục điểm sau đó là hoàn toàn bình thường. Ðiều này cũng đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ", ông Khải nêu quan điểm.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, theo ông Khải, đã xuất hiện một số cơ sở để cho rằng trong ngắn hạn, VN-Index đã lập đỉnh ở 1.015 điểm và đang bước vào chu kỳ giảm. Thị trường đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu, ngành khác nhau như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, thuỷ sản, dệt may, thép; các nhóm cổ phiếu cao su, dầu khí, điện nước... đa phần đã hoặc đang tăng (dĩ nhiên có sự phân hoá). Tức thị trường đã xoay vòng hết các nhóm ngành.
Còn nếu phân theo nhóm vốn hoá cổ phiếu, thì bluechip đã tăng dữ dội, sóng midcap đã có và vừa qua sóng penny cũng đã nổi lên. Theo ông Khải, thường khi penny "nổi sóng" mà thị trường đã gần đỉnh con sóng thì sau đó sẽ giảm điểm. Nhìn vào các cổ phiếu có tác động lớn khiến thị trường giảm điểm cho thấy, doanh nghiệp không có nhiều thông tin mới, quá tích cực để cổ phiếu chạy nhanh như vậy, nên khi đã tăng lên vùng giá trên 10 - 20% thì bắt buộc có điều chỉnh.
Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VIS, để thị trường tiếp tục đi lên, cần có những đợt điều chỉnh tương đối để tìm điểm cân bằng. Tín hiệu phân kỳ đã phát đi từ tuần trước nữa, nhưng tuần vừa qua rõ nét hơn, đến phiên 21/3 thì hình thành xu hướng giảm xuống. Trong ngắn hạn, đây là điều cần thiết, nhất là khi các thông tin vĩ mô đang lần lượt được công bố ra thì sẽ phản ánh thực chất thị trường hơn.
Ông Khanh dự báo, VN-Index có thể dao động quanh mốc 950 - 970 điểm thì sẽ tích luỹ trở lại. Dự báo cho cả năm 2019, vị này cho rằng, thị trường sẽ không quá u ám.
Một số công ty chứng khoán cũng cho rằng Vn-Index đã lập đỉnh ở mức 1.015 điểm và đã xoay vòng mức tăng qua hết các nhóm ngành, nên việc bước vào một chu kỳ giảm là điều cần thiết. Nhà đầu tư có thể thất vọng với những phiên giảm điểm vừa qua, nhưng thực tế thì mức giảm này chưa phải là quá cao.
Trên thực tế, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/3, chỉ số Vn-Index đã có sự hồi phục trở lại với sắc xanh hiện diện trên cả ba chỉ số. Theo đó, đóng cửa ngày 27/3, Vn-Index tăng 6,12 điểm (0,63%) lên 975,91 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm (0,67%) lên 107,56 điểm và Upcom- Index tăng 0,22% lên 57,18 điểm.