Tích lũy cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I tốt đón đà tăng của thị trường

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Rủi ro trong ngắn hạn phần nào vẫn còn khi chỉ số chuẩn trong phiên 26/3 giảm điểm nhẹ và thanh khoản thấp. "Điểm xuyết" vào đó là khối ngoại quay sang bán ròng 126 tỷ đồng. Với diễn biến bi quan như vậy, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thế nào trong thời gian tới?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu vừa và nhỏ, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT. 

PV: Trước phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng rất lớn vào một phiên hồi phục của VN-Index, nhưng rút cục thị trường lại tiếp tục giảm điểm, đi cùng với đó là thanh khoản thấp và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên hai sàn. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này của thị trường?

Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Nhìn chung sau 1 phiên giảm mạnh thì sự phục hồi ngày hôm nay nếu có cũng mang màu sắc kĩ thuật nhiều hơn trong bối cảnh các thông tin tiêu cực của thị trường thế giới chưa có dấu hiệu đảo chiều. Điểm số và độ rộng thị trường nhìn chung khá tương đồng khi số mã tăng và số mã giảm xấp xỉ nhau, nhìn chung là một phiên giao dịch không bùng nổ, nhưng cũng không mang dấu hiệu tích cực. Cá nhân tôi đánh giá thị trường đi ngang sau một cú giảm mạnh có thể đem lại sự hồi phục bền vững hơn.

Trước đây khi thị trường giảm điểm, chúng ta hay viện dẫn tới thị trường chứng khoán trong quốc tế (Châu Á, Hoa Kỳ,…). Tuy vậy, phiên 26/3 ghi nhận TTCK trong khu vực giao dịch khá tích cực, điển hình như Hang Seng “đảo chiều” tăng điểm 0,15%; Nikkei 225 tăng điểm tốt 2,15%;… trong khi đó VN-Index lại giao dịch lình xình và giảm điểm nhẹ, phải chăng tâm lý nhà đầu tư ở Việt Nam vẫn còn tiêu cực và dè chừng? Và nguyên nhân nào khiến họ e dè đến vậy?

Theo tôi diễn biến thị trường 1 vài tuần trở lại đây gửi đến 1 thông điệp là VNINDEX chưa sẵn sàng để bứt phá khỏi mốc tâm lý 1000 điểm. Ngoài ra nhìn trên yếu tố cơ bản, định giá của các nhóm cổ phiếu lớn nhìn chung vẫn chưa ở vùng hấp dẫn để có thể thu hút được dòng tiền lớn giải ngân mạnh. Do vậy, diễn biến lình xình của thị trường đến từ yếu tố nội tại và định giá của thị trường nhiều hơn. Trong bối cảnh thị trường chưa tìm được động lực để bứt phá thì nhà đầu tư trong nước sẽ nhạy cảm hơn với thông tin tiêu cực từ thế giới trong khi sẽ ít có phản ứng đối với những thông tin tích cực.

Ông nhận định diễn biến sắp tới của thị trường thế nào? Và nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch ra sao?

Tôi cho rằng thị trường sẽ khó có thể giảm sâu thêm, tuy nhiên cũng sẽ có đợt hồi phục mạnh trong ngắn hạn. Kịch bản cơ sở là thị trường có thể sẽ tích lũy trong 1-2 tuần trước khi có thể quay lại đà tăng vào trung tuần tháng 4. Đà tăng nếu có thì cũng sẽ không lan tỏa mà sẽ chủ yếu chọn lọc những cổ phiếu có KQKD sơ bộ Quý 1 tốt hay thông tin tích cực từ mùa Đại hội cổ đông. Do vậy những phiên giảm ngắn hạn có thể là cơ hội tích lũy cổ phiếu, hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng sẽ là chiến lược an toàn cho giai đoạn tới.