Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam

TS. Lê Thị Mỹ Ngọc - Đại học Đại Nam/tapchicongthuong.vn

Logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Theo đó, nhân lực là yếu tố giúp doanh nghiệp logistics nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đang là vấn đề nan giải nhất của ngành Logistic hiện nay. Do phát triển nóng, nên nguồn nhân lực của ngành này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết đề xuất giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Logistics Việt Nam trong chuỗi dịch vụ logistics toàn cầu.

1Đặt vấn đề

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, các cơ hội giao thương giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ngày càng cao, kéo theo nhu cầu đối với nhân lực logistics ngày càng lớn. Vai trò của logistics đã được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía Chính phủ. Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế.

Logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Lĩnh vực logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi logistics thế giới. Theo đó, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics. Nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực ngành Logistics - một yếu tố cốt lõi góp phần vào sự phát triển của ngành, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu về số lượng nhân sự, yếu về chất lượng chuyên môn. Chính vì vậy, việc phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực logistics một cách tổng thể, đầy đủ và việc đề ra các giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam

2.1. Nhu cầu nhân lực ngành Logistics

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, dẫn đến nhu cầu nhân lực trong ngành dịch vụ Logistics rất lớn. Mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, nhưng ngành này tại nước ta lại chưa có được nguồn nhân lực đủ để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển. Hiện tại, nguồn nhân lực của ngành chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Hầu hết các công ty dịch vụ Logistics ở Việt Nam đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, trong khi đó nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Logistics trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo công bố của Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 (VLA), hiện nay, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam có khoảng 4.000 DN hoạt động chuyên nghiệp, trong đó 54% số DN tập trung trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân sự logistics là rất lớn. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự, trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10% - một con số vô cùng khiêm tốn. Ngoài ra, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, thì nhu cầu nhân lực cho ngành Logistics có thể lên đến 2,2 triệu người vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25% mỗi năm của ngành Logistics, việc thiếu hụt nguồn nhân lực này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các DN Logistics trong nước.

2.2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tế. Với thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics đã và đang được đẩy mạnh và ưu tiên trong thời gian qua.  

Các chương trình đào tạo ngắn hạn chủ yếu được đào tạo bởi các hiệp hội ngành nghề liên quan đến lĩnh vực Logistics, như: Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA),...

Bên cạnh đó, một số DN logistics tự mở trung tâm đào tạo ngắn hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực logistics của bản thân DN, cũng như cung cấp dịch vụ đào tạo và các chứng chỉ, chứng nhận nghề nghiệp cho cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu, tiêu biểu như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (STC), U&I, Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS), Công ty Cổ phần Logistics U&I,…

Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hiện nay cũng thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đa dạng các đối tượng ở tất cả các cấp từ công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ; hành chính, văn phòng đến giám sát, quản lý, lãnh đạo như: Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Viện Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng (EDINS),…

Bên cạnh các chương trình đào tạo ngắn hạn trong nước, hiện có một số trung tâm, viện thuộc các trường đại học, hiệp hội đã liên kết đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ quốc tế, như: Trường Logistics và Hàng không Việt Nam (VILAS), Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI),... là đơn vị được Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) ủy quyền đào tạo chứng chỉ quốc tế về Logistics có giá trị toàn cầu.

Đối với nhóm đào tạo bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, các trường đại học tiếp tục xu hướng mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên hằng năm. Bên cạnh đó, nhằm tăng tính thực tiễn trong đào tạo, các mô hình phòng thực hành mô phỏng logistics, các chương trình thực tế tổ chức đưa sinh viên đến các cảng đã được triển khai tương đối nhiều trong thời gian qua.

Năm 2021, ghi nhận có 60 trường tham gia Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam - VALOMA, trong đó có 49 trường đại học; còn lại là trường cao đẳng và viện đào tạo. Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 49/286 trường đại học trên phạm vi cả nước đào tạo về logistics ở nhiều cấp độ khác nhau. Logistics hiện là ngành học nhận được nhiều sự quan tâm cao của xã hội. Sự quan tâm này thể hiện ở số lượng đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của ngành này tăng vọt và điểm chuẩn cũng vượt lên ở top đầu các ngành học tại một số trường. Điều này phản ánh phần nào nhu cầu của xã hội về mặt nguồn lực, nhu cầu của các DN đòi hỏi đáp ứng cả về mặt số lượng và chất lượng; đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển ngành này ở trong nước.

Theo báo cáo logistics 2021, hoạt động đào tạo ngành/chuyên ngành Logistics đang được triển khai theo nhiều hình thức: Chương trình đào tạo đại trà, chương trình chất lượng cao hoặc chương trình tiên tiến, chương trình tài năng, chương trình tích hợp do trường đại học nước ngoài cấp bằng. Kết quả khảo sát cho thấy 91,1% số trường đào tạo theo chương trình đại trà; khoảng 11,1% số trường đào tạo chương trình chất lượng cao tích hợp chứng chỉ nghề quốc tế FIATA hoặc chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh (như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Học viện Tài chính,...); khoảng 8,9% số trường có chương trình đào tạo do đại học nước ngoài cấp bằng (như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Thương mại,...).

Sự thiếu hụt nhân lực logistics trong DN những năm gần đây khiến hoạt động tự đào tạo trở thành hình thức phổ biến: đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới; các chương trình đào tạo nội bộ DN tự xây dựng hay mời chuyên gia về đào tạo tại DN. Thực tế, có đến 85,7% DN Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc (VLA, 2020). (Bảng 1)

Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam - Ảnh 1

Bảng 1 cho thấy, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của các DN hiện nay. Mặc dù số trường đào tạo logistics cũng như quy mô tuyển sinh tăng mạnh trong 3 năm vừa qua, nhưng thực tế cho thấy các trường đều đang gặp khó khăn về nguồn lực giảng viên, đặc biệt là giảng viên được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành, giảng viên có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ và giảng viên có kinh nghiệm thực tế lâu năm.

Ngoài ra, các khó khăn chung khác có thể kể đến là chương trình đào tạo chưa thống nhất về chuẩn đầu ra, thiếu giáo trình, cơ sở vật chất thực hành, mô phỏng, công tác thực tập chưa có sự kết nối chặt chẽ với DN,… Điều này cũng tác động, ảnh hưởng không ít đến chất lượng nguồn nhân lực logistics cung ứng ra thị trường lao động.

Từ các kết quả nghiên cứu trên có thể thấy, nhân lực ngành Logistics Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, khi chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường với chất lượng không cao. Với thực trạng nhân lực như vậy sẽ rất khó đáp ứng với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-25%. Tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Với quy mô và tốc độ phát triển trên, mỗi năm, ngành Logistic cần tới 20.000 nhân lực logistics được đào tạo bài bản, có chất lượng, đây là cơ hội rất lớn cho các cơ sở đào tạo ngành Logistics.

Mặc dù công tác đào tạo, phát triển nhân lực logistics đã được quan tâm trong những năm gần đây, nhưng nhân sự trong lĩnh vực logistics vẫn chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn khi Việt Nam thực thi các Hiệp định FTA, hoạt động thương mại quốc tế ngày càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về logistics còn hạn chế cả về nhân lực và trình độ do nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về logistics. Đầu tư chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics được xác định là yếu tố then chốt nhằm giúp các DN trong nước nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành Logistics Việt Nam trên bản đồ ngành Logistics thế giới.

Để hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực logistics tốt hơn, thời gian tới cần có sự hỗ trợ từ phía các Bộ, ban, ngành và DN logistics hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhân lực logistics góp phần tăng hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và nhà DN. Với thực tế đó, nhu cầu liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Phát triển nhân lực logistics đang là nhu cầu tất yếu, cấp bách để cùng đóng góp cho sự phát triển ngành Logistics tiến nhanh, tiến mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ.

3. Đề xuất mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam

3.1. Đề xuất mô hình đào tạo nhân lực cho ngành logistics

Theo nghiên cứu của VLA, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực cho ngành Logistics khoảng 250 nhân sự. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu đó, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nhân lực logistics một cách dài hạn. Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam còn một số hạn chế, từ nhận thức chưa đồng đều của các trường cũng như xã hội, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hệ thống giáo trình chưa được chuẩn hóa, tính kết nối với DN còn thấp,…

Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành Logistics trong giai đoạn tới, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho logistics không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các DN và đặc biệt là Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Để hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghề nghiệp khi tham gia thị trường lao động trong hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì vai trò kết nối là vô cùng quan trọng. Dưới đây, chúng tôi tự đề xuất mô hình hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực logistics của Việt Nam. (Hình 1)

Hình 1: Hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam
Hình 1: Hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam

3.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics

* Về phía Nhà nước

- Rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng.

- Phối hợp với Dự án “Aus4skills”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội Logistics, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường công tác truyền thông về ngành các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng các bộ tiêu tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics,… Các địa phương nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.

* Về phía Hiệp hội Logistics

- Cần phát huy vai trò kết nối các Hiệp hội Logistics Việt Nam, các Hiệp hội Logistics địa phương, qua đó có thể thực hiện công tác hỗ trợ các DN logisttics trong công tác tuyển dụng nhân sự, các trường đại học trong công tác đào tạo một cách hiệu quả.

- Cần tạo ra hệ sinh thái kết nối nhà trường với nhà trường, nhà trường với DN, nơi chia sẻ tài nguyên giữa các trường đại học nhằm tối ưu hóa chi phí trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy. Hệ sinh thái phát triển nhân lực logistics cũng là cung cấp, trao đổi thông tin giữa các trường và với DN trong công tác tuyển dụng nhân sự ngành logistics, từ đó nhà trường có những định hướng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

* Về phía cơ sở đào tạo

- Xây dựng chương trình đào tạo, gắn việc đào tạo với thực tiễn cũng như nhu cầu của DN. Tăng cường kết hợp tác với DN, phối hợp với DN trong công tác tổ chức các chương trình đào tạo cho sinh viên nhằm gắn lý thuyết với thực tiễn, định hướng nghề nghiệp từ sớm giúp người học định hình rõ nét nghành nghề lựa chọn. Theo đó, DN có thể tham gia một phần vào quá trình đào tạo như giảng dạy một số học phần thực hành nghề nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động trải nghiệm thực tế, quá trình thực tập hoặc cộng tác tại DN. Thông qua hoạt động này, DN cũng có thể quan sát, đánh giá và lựa chọn các ứng viên tiềm năng đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của DN trong tương lai, giúp giảm thiểu chi phí tuyển dụng và đào tạo lại sau tuyển dụng.

- Cần xây dựng đội ngũ giảng viên giảng dạy có chất lượng cao, phục vụ công tác giảng dạy trong nước. Khuyến khích giảng viên tham gia vào các hoạt động thực tế tại DN để cọ xát với các hoạt động nghề nghiệp trong thực thế, gắn bài giảng lý thuyết với thực hành. Các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng nên gắn liền với hoạt động của các DN logistics, nhằm hỗ trợ chuẩn hóa các hoạt động của DN, cũng như hỗ trợ xây dựng các chiến lược phát triển DN.

- Đẩy mạnh công tác kết nối, liên thông giữa khối đại học, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các khóa đào tạo ngắn hạn. Khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với nhau nhằm chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu học tập,...

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Chú trọng nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo hiện có theo hướng chuyên sâu, đảm bảo tính khoa học, hệ thống và tính liên thông giữa các bậc đào tạo. Các chương trình đào tạo cần được xây dựng theo hướng tập trung vào các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp từ cơ bản đến nâng cao, để đảm bảo người học có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các vị trí việc làm khi được tuyển dụng.

- Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới và khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế, nhằm giúp người học sẵn sàng và nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thực tiễn của DN, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.

- Duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ tốt nghiệp, tốt nghiệp khá giỏi các trình độ trong lĩnh vực logistics để đảm bảo ổn định đầu ra nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo cần phối hợp cùng DN ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường đúng ngành, nghề và trình độ đào tạo.

- Đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng các phòng mô phỏng thực hành hoạt động logistics nhằm giúp sinh viên hiểu sâu hơn về các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; giúp sinh viên tự tin hơn trong các hoạt động thực tế sau này tại DN, rút ngắn khoảng cách giữa việc học và hành.

* Về phía doanh nghiệp

- Các DN sử dụng nhân lực logistics cũng cần được thu hút, tạo điều kiện để tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình đào tạo, hướng dẫn thực tập, tăng tiếp cận thực tế cho sinh viên thông qua các chương trình huấn luyện nghề nghiệp.

- Tích cực tham gia công tác truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp,... để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào lĩnh vực chuyên ngành này. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các DN, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập.

- Khuyến khích, tạo điều kiện học tập, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động tại DN.

4. Kết luận

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cũng như xu hướng toàn cầu hóa, hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ và của toàn nền kinh tế. Đầu tư vào công nghệ và con người là sẽ yếu tố quyết định đến sự phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai.

Bên cạnh yếu tố công nghệ, nguồn nhân lực luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành Logistics ở Việt Nam. Nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp DN logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đây là những yếu tố mà các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cơ sở đào tạo và DN logistics của Việt Nam cần tính đến trong kế hoạch phát triển logistics thời gian tới.

Tài liệu trích dẫn:

[1]. Tác giả tổng hợp dựa trên kết quả nghiên cứu của: VALOMA (2021); Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam (2020); Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2022).

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 200/2017/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
  2. Bộ Công Thương (2021), “Báo cáo logistics Việt Nam 2021: Phát triển nhân lực logistics”.
  3. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), (2019), Hiện trạng và đề xuất phát triển nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam. Báo cáo ngắn.
  4. Trịnh Thị Thu Hương (2016), “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam”, Trường Đại học Ngoại thương. Tạp chí Giao thông Vận tải, truy cập: https://tapchigiaothong.vn/dao-tao-phat-trien-nguon-nhan-luc-logistics-viet-nam-18327604.htm
  5. Nguyễn Minh Đức, (2021), “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực Logistics cho Việt Nam”, Đại học Hàng hải Việt Nam, Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam, truy cập: http://vjst.vn/vn/tin-tuc/4649/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-logistics-cho-viet-nam.aspx.