Cần chiến lược dài hơi để ngành logistics tận dụng được cơ hội từ EVFTA
Bên cạnh cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại, đòi hỏi những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quá trình tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, trong đó có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã mang lại những cơ hội về thu hút đầu tư, gia tăng nhu cầu vận chuyển, tuy nhiên quá trình này cũng đang bộc lộ những thách thức mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt.
Ba thách thức lớn đối với ngành logistics
Tại Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết có ba thách thức lớn đối với ngành logistics Việt Nam khi thực thi Hiệp định EVFTA.
Thách thức đầu tiên là thách thức từ cạnh tranh, khi mở cửa thì các doanh nghiệp logistics EU sẽ vào, doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh. Hoặc ở những lĩnh vực theo lộ trình đã mở cửa 100% thì lúc này các doanh nghiệp EU không cần đến doanh nghiệp Việt Nam nữa mà thay vào đó họ sẽ tự làm, tức là cơ hội của doanh nghiệp logistics trong nước tại một số dịch vụ sẽ bị mất đi.
Thách thức thứ hai, theo ông Khanh không chỉ trong lĩnh vực logistics mà trong nhiều lĩnh vực, đó là doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau, ví dụ như hiện tượng không chủ động tìm kiếm nguồn hàng mà cạnh tranh để giành nguồn hàng, dìm giá... để giành lấy các cơ hội từ EVFTA mang lại.
Thứ ba, cơ hội có nhưng có tận dụng được hay không, bởi doanh nghiệp logistics của chúng ta vẫn thiếu vốn, công nghệ cũng có hạn và đặc biệt là về nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc theo nhu cầu mới hiện nay.
Từ góc độ doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ của ngành logistics, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, chi phí logistics là một chi phí lớn trong cấu thành giá trị của sản phẩm xuất nhập khẩu, có những thị trường tỷ lệ này chiếm rất lớn.
Những giai đoạn khó khăn như năm 2021 chi phí logistics đã tăng hàng chục lần là một điểm rất khó khăn cho các doanh nghiệp cân đối chi phí trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài về quy định kho ngoại quan, đóng tàu hàng...
"Thời gian qua chúng ta bị chi phối bởi các hãng tàu nước ngoài, có những lúc khó khăn, đặc biệt là những thời điểm Trung Quốc phong tỏa theo chính sách Zero COVID mà chúng ta không điều động được container rỗng, không chủ động được nguồn tàu, không khống chế được chi phí cao... cho nên đây là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp tham gia vận tải và công tác xuất nhập khẩu hàng hóa", ông Nhựt chia sẻ.
Làm thế nào để ngành logistics tận dụng được các cơ hội từ EVFTA?
Chia sẻ về những giải pháp để tận dụng cơ hội từ EVFTA, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group cho biết Bee Logistics đã đẩy mạnh kết nối với đối tác là những công ty lớn của EU để là một phần trong chuỗi cung ứng của họ thì tại thị trường Việt Nam. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực để tiếp cận công việc trong bối cảnh mới.
Đối với nguồn nhân lực, hiện Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội Logistics Việt Nam để giải quyết bài toán nhân sự cho ngành logistics. Doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở ra những lớp đào tạo dần những thế hệ kế cận trong ngành logistics.
Hiện Bee Logistics cũng đang tìm đối tác để hợp tác, thậm chí đặt các văn phòng đại diện ở châu Âu để tiếp cận trực tiếp nguồn khách hàng từ phía châu Âu, hoặc liên doanh liên doanh liên kết với doanh nghiệp, học tập công nghệ hiện đại của họ để áp dụng vào công việc của mình.
Bổ sung thêm ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, với một thị trường có quy mô rộng lớn cũng như tốc độ tăng trưởng lên đến 24% như khu vực EU thì đây là cơ hội hết sức to lớn cho cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp logistics.
Nhưng phải khẳng định rằng trong hoạt động logistics thì tương quan giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU cũng chưa đồng đều. Do đó,doanh nghiệp phải nhận biết được vị trí của mình để có sự phấn đấu và vươn lên, thông qua sự liên doanh, liên kết hoặc có thể bắt đầu từ vai trò đại lý cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Bên cạnh đó, có thể nói logistics là một lĩnh vực có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ. Đây cũng là một trong những chìa khóa để giúp cho doanh nghiệp logistics của chúng ta có thể nâng cao được hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh. Trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp như vậy, cạnh tranh mạnh mẽ như vậy, doanh nghiệp nào dựa được vào công nghệ, ứng dụng được công nghệ tốt thì sẽ có cái khả năng vượt trội và vươn xa hơn.
Về phía Nhà nước, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics một cách dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây, đặt một cơ sở, nền móng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics của chúng ta vươn ra thị trường thế giới tốt hơn nữa.