Giải pháp đầu tư tài chính cá nhân an toàn và hiệu quả
Đầu tư tài chính là một hình thức đầu tư thông qua việc mua bất động sản, vàng, các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), hoặc các công cụ tài chính khác... để tìm kiếm lợi nhuận từ những khoản tiền nhàn rỗi.
Nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư tài chính hiệu quả với nhiều mục đích khác nhau: nâng cao chất lượng cuộc sống, mong muốn về hưu sớm, tích trữ của cải, chống mất giá của đồng tiền do lạm phát... nhưng tất cả đều có chung mục tiêu là gia tăng lợi nhuận nhiều nhất có thể.
Các kênh đầu tư tài chính cơ bản
Đầu tư vàng
Hiện nay, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trung dài hạn còn có nguồn vốn đầu tư ngắn hạn cũng đổ vào thị trường bất động sản, có những giai đoạn nguồn vốn ngắn hạn cao hơn cả nguồn vốn trung dài hạn, chi phối sự vận động của thị trường bất động sản, tạo ra những hoạt động lướt sóng, gây nên những cơn “sốt nóng” trên thị trường, tạo ra hiện tượng bong bóng bất động sản, làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.
Đây là một trong những kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay ở thị trường tài chính. Khác với tiền giấy, tiền xu hay những tài sản khác, vàng luôn duy trì giá trị theo thời gian. Vàng như là công cụ để duy trì sự giàu có từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư vàng được xem là kênh đầu tư hiệu quả và chắc chắn. Giao dịch vàng đã có từ trước khi thị trường chứng khoán xuất hiện; đồng thời, được xem là tài sản quan trọng nhất thế giới.
Trước đây, đầu tư vàng đã từng là một kênh đầu tư được rất nhiều người chú ý đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nó đã không còn được nhà đầu tư (NĐT) quan tâm nhiều, vì có nhiều kênh đầu tư khác phát triển và cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, với tình hình của nền kinh tế hiện tại, khi mà cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra ngày càng căng thẳng theo chiều hướng phức tạp, thì giao dịch vàng đang nhận được sự quan tâm lớn. Tình hình bất ổn về kinh tế đã gây ra nhiều mối lo ngại cho các NĐT. Do đó, kênh đầu tư vàng đã được nhiều người lựa chọn để bảo vệ mình trước các chính sách bất lợi từ phía các ngân hàng trung ương.
Đầu tư bất động sản
Trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán và tài chính có nhiều rủi ro, việc đầu tư vào đâu để an toàn và hiệu quả là vấn đề được nhiều NĐT cá nhân quan tâm. Dù ở thời kỳ nào và diễn biến ra sao thì bất động sản (BĐS) vẫn luôn là kênh đầu tư được kỳ vọng nhất. Vậy làm thế nào để tiền tạo ra tiền trong một bối cảnh tiềm ẩn những rủi ro, thì đất đai, nhà cửa vẫn khiến NĐT yên tâm hơn.
Thời gian gần đây, mặc dù gặp khó khăn nhưng BĐS tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều NĐT quan tâm. Dưới góc độ tài chính, thị trường khó khăn chính là cơ hội tốt cho các NĐT dài hạn bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3-5 năm chứ không kỳ vọng trong ngắn hạn. Thị trường BĐS đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô, ngoài ra là các yếu tố khác như lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, dù BĐS đang được đánh giá là lựa chọn tốt trong giai đoạn khó khăn nhưng NĐT không nên kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn mà cần xác định mục tiêu đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn về lợi nhuận trong tương lai.
Đầu tư chứng khoán
Đầu tư chứng khoán là hình thức đầu tư vào các doanh nghiệp của các NĐT, tại đó chủ đầu tư bỏ vốn để mua các chứng khoán đang lưu hành trên thị trường nhằm thu về lợi nhuận trong tương lai. Có hai nguồn thu nhập từ việc đầu tư chứng khoán, đó là công ty chia một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh cho các cổ đông, bên cạnh đó NĐT còn có nguồn thu lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá bán và giá mua chứng khoán.
Chứng khoán là kênh đầu tư linh hoạt, không cần vốn lớn, với số vốn nhỏ lẻ NĐT cũng có thể dễ dàng tham gia. Chứng khoán cũng là tài sản có tính thanh khoản cao, mọi giao dịch liên quan đến mua hoặc bán chứng khoán sẽ được thực hiện trong một thời gian ngắn bởi những người tham gia thị trường. Đầu tư vào chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao nếu biết lựa chọn đúng công ty có khả năng tăng trưởng mạnh. Khi nắm giữ chứng khoán, tức là NĐT đang sở hữu một phần doanh nghiệp. Do vậy, nếu so sánh với mức lợi nhuận thu được từ kênh tiền gửi tiết kiệm, NĐT có thể nhận được mức lãi suất cao hơn nhiều khi đầu tư vào chứng khoán.
Những rủi ro trong đầu tư
Đầu tư vàng
Vàng là kênh đầu tư tương đối an toàn, tuy nhiên khi nắm giữ vàng cũng có một số rủi ro nhất định. Đó là rủi ro trong việc cất trữ vàng, NĐT cá nhân cần tìm nơi cất trữ an toàn, tránh trộm cắp và mất mát, điều này tương đối khó khăn nếu đầu tư vàng với số lượng lớn.
Tính biến động của vàng cao, vì vậy đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn sẽ gặp rủi ro thua lỗ rất lớn. Vàng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nên biến động giá khó lường, chẳng hạn như nếu giá đồng USD tăng cao có thể làm giá vàng sẽ giảm thấp, vì đồng USD được xem là đồng tiền thế giới, có tính đảm bảo cao. Bên cạnh đó, hiện nay, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự chênh lệch lớn nên đầu tư vàng trong ngắn hạn sẽ gặp rủi ro cao.
Đầu tư BĐS
Khi đầu tư vào BĐS, NĐT cá nhân sẽ gặp rất nhiều rủi ro, một số rủi ro thường gặp như sau:
Nếu NĐT không tìm hiểu kỹ về tài sản định mua thì sẽ vướng phải các vấn đề về pháp lý như: Khi nhà đất dự định mua thuộc diện quy hoạch, có quyết định thu hồi đất có thể khiến NĐT thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất trắng. Nếu mua phải nhà, đất, nhất là với các dự án đang bị thế chấp ngân hàng mà chưa tiến hành giải chấp tại thời điểm bán có thể khiến NĐT trắng tay. Nếu NĐT mua phải các dự án chưa được hoàn tất các thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện bán, đa phần sẽ khiến NĐT gặp rủi ro rất lớn do nguy cơ dự án bị treo, bị đình chỉ là rất cao...
NĐT cá nhân còn gặp rủi ro rất lớn về giá thị trường BĐS. Hiện nay, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trung dài hạn còn có nguồn vốn đầu tư ngắn hạn cũng đổ vào thị trường BĐS, có những giai đoạn nguồn vốn ngắn hạn cao hơn cả nguồn vốn trung dài hạn, chi phối sự vận động của thị trường BĐS, tạo ra những hoạt động lướt sóng, gây nên những cơn “sốt nóng” trên thị trường, tạo ra hiện tượng bong bóng BĐS, làm tăng rủi ro cho NĐT cá nhân.
Rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Thứ nhất, rủi ro do tính thanh khoản thấp. Thực tế cho thấy, mỗi mã cổ phiếu sẽ có tính thanh khoản khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: uy tín của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu có tính thanh khoản cao, tuy nhiên, không ít cổ phiếu lại có tính thanh khoản thấp, gây rủi ro cho NĐT.
Thứ hai, rủi ro từ thông tin: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là có tính minh bạch thấp, các báo cáo tài chính thường xảy ra hiện tượng gian lận, việc này đòi hỏi các NĐT chứng khoán phải tìm hiểu rất kỹ và phải lựa chọn thông tin chính xác nhất.
Thứ ba, rủi ro từ các biến động thị trường: Đây là 1 trong những rủi ro chính và chiếm phần lớn đối với các NĐT. Thị trường chứng khoán hầu như luôn có những đợt biến động mạnh từ các tin tức như chiến tranh, giá dầu, lãi suất, phá giá tiền tệ... kéo theo đó là sự giảm giá hay lên xuống thất thường của thị trường, nên NĐT sẽ gặp nhiều rủi ro không thể tránh khỏi. Mặc dù vậy, có những đợt giảm giá chứng khoán rất mạnh trong ngắn hạn lại là một cơ hội kiếm lợi nhuận tốt cho các NĐT chứng khoán có kinh nghiệm hay đem đến cơ hội mua cổ phiếu với giá rẻ.
Giải pháp đầu tư tài chính an toàn và hiệu quả
Đối với đầu tư vàng
Để đầu tư vàng an toàn và hiệu quả, NĐT cần xác định sẽ đầu tư dài hạn hay đầu tư ngắn hạn theo thị trường. Mỗi kiểu đầu tư sẽ có các chiến lược và chiến thuật riêng để sinh ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu xác định đầu tư vàng, để có hiệu quả, NĐT cần xem xét quyết định đầu tư dài hạn, vì trong dài hạn các yếu tố tác động đến vàng sẽ ổn định hơn. Ngược lại, nếu muốn “lướt sóng” ở thị trường này, NĐT phải có đủ kinh nghiệm và nguồn vốn lớn. Lý do là vì vàng là kênh đầu tư quá nhiều biến động và rủi ro đối với NĐT ngắn hạn. Nếu không đủ kiến thức, NĐT dễ dàng bị thua lỗ bởi những biến động bất thường.
Đối với NĐT dài hạn thì nên tham gia vào thị trường lúc đang bình ổn và "canh" thời điểm bán ra hợp lý. Để thành công khi đầu tư vàng, NĐT cần đặt ra cho bản thân một mức lợi nhuận mong muốn. Khi đó, NĐT sẽ có được quyết định mua bán đúng lúc để đạt được lợi nhuận như mong đợi. Khi đầu tư vàng, không nên hy vọng vào một mức lợi nhuận quá cao, nên biết dừng đúng lúc, đặt mục tiêu và chấp nhận mục tiêu đã đạt được.
Đối với đầu tư BĐS
Khi đầu tư BĐS, NĐT cần chọn được BĐS có vị trí kết nối. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu khi NĐT chọn BĐS đất nền. NĐT phải chọn lựa BĐS đất nền ở nơi mà khả năng kết nối về giao thông thuận tiện. Điều này tạo tiềm năng tăng giá trong tương lai cho BĐS. NĐT nên mua BĐS đã có mật độ dân cư tương đối. Khi mà mật độ dân cư càng tăng lên ở khu vực đó thì lúc đó cũng tương ứng với việc là đất nền của chúng ta có giá tăng theo thời gian.
Vấn đề quan trọng trong đầu tư BĐS là yếu tố pháp lý. Khi NĐT BĐS giá rất rẻ hoặc góp tiền theo tiến độ, theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc... mà không trên cơ sở hợp đồng mua bán thì rủi ro lớn nhất mà NĐT có thể gặp là đơn vị phát triển dự án không thể hoàn chỉnh và đưa ra được sổ hồng theo như cam kết trong hợp đồng. Đó là rủi ro lớn cho NĐT BĐS cá nhân khi không mua một BĐS có pháp lý hoàn chỉnh.
NĐT nên biết định giá BĐS, phương pháp dùng để định giá đó phương pháp so sánh. NĐT cần tìm những dữ kiện, khảo sát kỹ lưỡng xung quanh đất nền, khu vực định mua để nắm bắt được giá cả cơ bản của những lô đất lân cận, để có được giá chính xác khi ra quyết định mua. Một điều quan trọng NĐT cá nhân cần lưu ý là cần lựa chọn đúng thời điểm để đầu tư, không đầu tư khi thị trường đang nóng sốt.
Đối với đầu tư chứng khoán
Khi đầu tư chứng khoán, NĐT phải biết chấp nhận rủi ro, bù lại sẽ nhận được lợi nhuận từ việc đầu tư. Rủi ro không thể loại bỏ hoàn toàn mà chỉ có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể. Để giảm thiểu rủi ro NĐT cần đa dạng hóa danh mục đầu tư, thực hiện đầu tư vào những ngành nghề ít có tương quan với nhau. Nếu NĐT thực hiện đầu tư vào cổ phiếu nhiều ngành nghề khác nhau, sẽ giảm thiểu được rủi ro. Chẳng hạn như: NĐT đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thì nếu lĩnh vực này gặp rủi ro sẽ có lĩnh vực khác có lợi nhuận để bù trừ. Nếu đầu tư vào một ngành nghề nhất định thì rủi ro sẽ rất lớn. Mua cổ phiếu là việc đầu tư sinh lời, để thành công trong dài hạn là phải hạn chế rủi ro thấp nhất có thể.
Để đầu tư an toàn và hiệu quả, NĐT nên tập trung đầu tư dài hạn, việc liên tục theo dõi biến động giá cổ phiếu khiến NĐT cá nhân thường để cảm xúc chi phối và đưa ra các quyết định không hợp lý. Vì vậy, để hạn chế rủi ro trong đầu tư, NĐT sau khi chọn được cổ phiếu mình kỳ vọng tăng giá, thì nên hạn chế theo dõi biến động giá hàng ngày, hướng đến mục tiêu dài hạn. Bên cạnh đó, NĐT cần tuân thủ những nguyên tắc, kỹ luật mà mình đưa ra để cắt lỗ và chốt lời đúng lúc cần thiết.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thanh Liêm (2014), Giáo trình Quản trị tài chính, NXB Thống kê;
2. Nguyễn Minh Kiều (2013), Tài chính doanh nghiệp căn bản, NXB Lao động xã hội;
3. Nguyễn Trọng Tài (2016), “Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam””, Tạp chí Ngân hàng, số tháng 12/2016;
4. Vũ Nhữ Thăng (2021), “Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, Tạp chí Tài chính, số tháng 2/2021.