Giải pháp hạn chế sự mất cân đối trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam
(Tài chính) Hoạt động huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc nghiên cứu các nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn từ khu vực đầu tư này có ý nghĩa thực tiễn và cấp bách trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến quý I/2014 cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam đạt 3,334 tỷ USD; hơn 250 lượt dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 2,046 tỷ USD; tạo việc làm gián tiếp và trực tiếp cho hàng triệu lao động; Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài năm 2013 chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, FDI còn có tác động tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nguồn vốn FDI góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội hiện đang giảm dần.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Cụ thể như: Nhiều dự án gây ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống xã hội; Chất lượng các dự án FDI nhìn chung chưa cao, tính lan tỏa thấp, chưa có tác động nhiều đến phát triển nền kinh tế; Hiện tượng "chuyển giá" khai báo lỗ nhằm trốn thu không những gây thất thu cho ngân sách mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh; Hoạt động FDI còn mất cân đối trên nhiều khía cạnh khác và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính hiệu quả hoạt động của nền kinh tế...
Hậu quả của sự mất cân đối trong thu hút đầu tư FDI
Thứ nhất, mất cân đối trong đăng ký và triển khai dự án FDI. Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, thời kỳ 2008-2012 chỉ đạt 37,06%. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có một chiến lược và quy hoạch thu hút vốn FDI ở tầm quốc gia, khiến việc thu hút FDI mang tính bị động; Cơ sở hạ tầng yếu kém hạn chế khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Công tác thẩm định khả năng tài chính của nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở cơ quan cấp giấy phép ở các địa phương.
Thứ hai, mất cân đối trong thu hút FDI theo địa phương. Sự mất cân đối này ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế theo vùng miền; Ảnh hướng tới an ninh quốc gia. Những nơi thu hút nhiều FDI thì phát triển nhanh nhưng kéo theo là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chi phí kinh doanh, giá cả các phương tiện phục vụ cho đời sống tăng nhanh. Trong khi đó, lợi nhuận mang lại cho Việt Nam từ FDI không tương xứng với giá trị của nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi...
Thứ ba, mất cân đối trong thu hút vốn đầu tư từ đối tác đầu tư. Tính đến quý I/2014 có hơn 250 lượt dự án đầu tư vào Việt Nam nhưng chủ yếu đến từ châu Á (trên 70% số dự án). Nguồn vốn đến từ các nước châu Âu không nhiều: Đức, Anh, Pháp chiếm 8,8 %; Canada, Hoa Kỳ chiếm 7,7%, đặc biệt có nhiều dự án mà chủ đầu tư đến từ các hòn đảo "thiên đường trốn thuế" (nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0) như British Virginislands: 512 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 15,3 tỷ USD, Cay man Island 54 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 5,6 tỷ USD. Chưa kể, hiện Việt Nam chỉ mới thu hút được trên 120 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Nguyên nhân là do chưa có chiến lược dài hạn để thu hút vốn, cho nên xúc tiến thương mại chưa có chiến lược lôi kéo các nhà đầu tư có tiềm năng về cả vốn lẫn công nghệ, có sức lan tỏa đến hoạt động kinh tế nội địa.
Thứ ba, mất cân đối trong thu hút FDI theo ngành kinh tế. Các ngành kinh tế Việt Nam chia thành 18 nhóm, trong đó mức độ thu hút đầu tư mỗi lĩnh vực lại rất khác. Điển hình như: Ngành Công nghiệp chế biến và chế tạo: Riêng quý I/2014 thu hút đến 141 dự án FDI, chiếm trên 69,9% số vốn đầu tư vào Việt Nam; ngành bất động sản: Có 20 dự án đầu tư vào bất động sản với tổng số vốn đầu tư 288,3 triệu USD chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư, đứng thứ 2 trong tổng số các ngành thu hút vốn FDI sau ngành công nghiệp chế biến và chế tạo…
Thứ tư, sự mất cân đối còn diễn ra cả ở hình thức; giữa số lượng và chất lượng thu hút vốn FDI. Số lượng thu hút FDI nhiều nhưng chất lượng hoạt động chưa tương xứng, phần đa các dự án lớn là những dự án đầu tư ảo. Theo tính toán, có trên 70 % dự án đầu tư 1 tỷ USD/dự án chưa triển khai hoặc bị rút giấy phép; 70,29% dự án sân golf không nằm trong quy hoạch dược phê duyệt... Các dự án FDI cũng chưa hỗ trợ cho việc thay đổi diện mạo công nghệ tại Việt Nam, chưa có tác dụng lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế nội địa.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính có 56 % dự án FDI đi vào hoạt động có doanh thu, nhưng báo cáo lỗ. Riêng TP.Hồ Chí Minh, có tới 50% doanh nghiệp báo cáo thua lỗ trong năm 2012. Hiện tượng chuyển giá thể hiện khá rõ vì có những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lỗ hàng nghìn tỷ VND/năm nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh...
Giải pháp khắc phục tình trạng mất cân đối trong thu hút FDI
Một là, xây dựng chiến lược, mục tiêu Chiến lược thu hút vốn FDI đến năm 2020, hàng năm thu hút lượng vốn FDI (khoảng 30% vốn) vào đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, mỗi năm Việt Nam cần lôi kéo 10 được công ty có ảnh hưởng nhất toàn cầu đến đầu tư. Đồng thời, chuyển dịch mạnh việc thu hút vốn FDI vào các ngành thâm dụng lao động phổ thông, các ngành có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ; các ngành dịch vụ cao cấp...
Hai là, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế, mặc dù hiện nay các quy hoạch phát triển kinh tế ở các cấp đã được thông qua nhưng chất lượng không cao. Do đó, các dự án FDI thu hút phải phát huy lợi thế so sánh của vùng và góp phần thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế vùng; Quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, của các ngành kinh tế phải được xây dựng dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế vùng; Ưu tiên thu hút các dự án FDI nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư phải thực hiện theo vùng và ngành...
Ba là, hoàn thiện môi trường đầu tư, giải pháp này góp phần hỗ trợ các dự án FDI triển khai và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện trong hoạt động đầu tư nước ngoài; Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực theo vùng, lãnh thổ là những thành tố quan trọng của môi trường đầu tư, góp phần giải quyết hiện tượng mất cân đối trong thu hút và triển khai các dự án FDI theo vùng và theo ngành.
Bốn là, thu hút đầu tư có chọn lọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa vào Chiến lược thu hút vốn FDI để lên danh mục các ngành, các công ty đa quốc gia ưu tiên thu hút vốn. Các danh mục này cần có sự tư vấn của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Có nhiều hình thức thu hút đầu tư có chọn lọc:
Thu hút FDI có chọn lọc theo ngành:
(i) Với các ngành thâm dụng lao động, nên có chính sách vận động các tập đoàn lớn nước ngoài ở ngành này vào đầu tư tại Việt Nam.
(ii) Với ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, nên có chính sách vận động đa chiều để các công ty sản xuất linh kiện xe hơi của Nhật chuyển cơ sở từ Nhật tới Việt Nam.
(iii) Các ngành công nghệ cao, ngoài việc thu hút các nhà đầu tư FDI theo địa chỉ của các nhà đầu tư tiềm năng thì cho phép nhà đầu tư có thể sử dụng chuyên gia nước ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, phải xây dựng lộ trình để thay thế bằng chuyên gia Việt Nam.
(iv) Với các ngành nông nghiệp, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp: Xây dựng chính sách thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp thật ưu đãi; Đối với, doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghệ cao, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất 5 năm kể từ khi có lợi tức.
(v) Với ngành kinh doanh bất động sản và sân golf: Bộ xây dựng phối hợp với Bộ tài nguyên môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng quy trình kinh doanh bất động sản quy định với các chủ đầu tư có tổ chức. Trong đó, quy định chặt chẽ việc huy động vốn, vay vốn trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, khuyến khích lập các khu công nghiệp theo chuyên ngành và bỏ vốn phát triển hệ thống kho tàng, bến bãi phục vụ cho phát triển hoạt động logistics. Có như vậy mới lôi kéo được các tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư tại Việt Nam.
Thu hút FDI có chọn lọc theo địa phương:
Ở những tỉnh thu hút trên 500 dự án đầu tư FDI hoặc tỉnh sử dụng nguồn nhân lực ngoại tỉnh (chiếm trên 50 %) như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà rịa - Vũng tàu... thì cần thiết: Xây dựng lộ trình tiến tới không thu hút các dự án thâm dụng lao động phổ thông; Các dự án gây ô nhiễm nguồn nước và khí... Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án có trình độ công nghệ cao, dự án thân thiện với môi trường...
Thu hút FDI phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy:
- Ở những tỉnh trên một triệu dân đã và đang trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp như các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, nên thu hút các dự án: Thâm dụng lao động và chế biến nông, thủy sản và các dự án khai thác tài nguyên biển...
- Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng Bằng Sông Hồng nên thu hút FDI trong các ngành công nghiệp may, sản xuất giày dép, dịch vụ cho hàng hóa nông nghiệp... Nghiêm cấm thu hút các dự án FDI gây ô nhiễm nguồn nước và dự án làm giảm tài nguyên đất về chất lượng và số lượng.
- Các tỉnh Tây Nguyên và các vùng núi thì thu hút các dự án phát huy thế mạnh của các tỉnh này về tài nguyên nước, khoáng sản lâm sản trồng rừng. Tuy nhiên, phải xây dựng quy chế giới sát hoạt động của các dự án này nhằm tránh tình trạng "tận" khai thác mang tính hủy diệt tài nguyên...
Điều kiện cụ thể để thu hút vốn FDI theo địa phương, đó là phải xây dựng quy hoạch thu hút vốn theo vùng lãnh thổ có cùng điều kiện tự nhiên và kinh tế, trên cơ sở này mỗi tỉnh xây dựng kế hoạch thu hút vốn FDI riêng cho mình. Ngoài ra, các địa phương nên chủ động đào tạo nguồn nhân lực, mang tính đón đầu các dự án FDI phù hợp với quy hoạch và chiến lược thu hút vốn vào địa phương. Chính quyền trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Năm là, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động FDI, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước đối với hoạt động FDI theo các cấp độc lập tương đối với nhau. Điển hình như, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, tổ chức xin ý kiến của các Bộ ban ngành các địa phương về chiến lược và quy hoạch thu hút vốn đầu tư FDI và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Giúp Chính phủ xây dựng và kiến nghị hoàn thiện Bộ máy tổ chức quản lý hoạt động FDI. Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ và quản lý hoạt động FDI...
Sáu là, nâng cao tính thực thi pháp luật, thực hiện giải pháp này sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Khắc phục điểm yếu nhất khi nói về môi trường đầu tư Việt Nam là tính thực thi pháp luật kém, đặc biệt ở cấp quản lý trực tiếp doanh nghiệp…
Tóm lại, để khắc phục tình trạng mất cân đối trong thu hút vốn đầu tư FDI, theo nhóm nghiên cứu cần áp dụng đồng thời cả các pháp chiến lược trên vì mỗi giải pháp cho phép giải quyết các loại mất cân đối khác nhau trong thu hút vốn đầu tư FDI.
__________________
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
2. Đỗ Đức Bình & Nguyễn Thường Lạng (2006), những vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kinh nghiệm Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam, NXB Lý luận Chính trị;
3. Lê Xuân Bá (2006) Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, NXB Khoa học Kỹ thuật;
4. Nguyễn Bích Đạt & Phan Hữu Thắng, Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vị trí vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.