Giải pháp phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa X ngày 05/8/2008 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội nông thôn đã được ghi nhận, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển này cũng bộc lộ những "nút thắt" cần được tháo gỡ để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bài viết này sơ lược kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và đề xuất những giải pháp có tính định hướng cho phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian tới.
Thành tựu phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới thời gian qua
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, dưới góc độ kinh tế, mục tiêu cơ bản của xây dựng NTM ở nước ta là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn phù hợp, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn tạo tiền đề vật chất để thực hiện thành công xây dựng NTM.
Trước đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa X ngày 05/8/2008, "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã khẳng định rõ, phát triển kinh tế nông thôn cần được thực hiện trong mối liên hệ chặt chẽ với xây dựng NTM ở nước ta. Từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành và cụ thể hóa thông qua các chính sách, chương trình hành động của Nhà nước, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:
Một là, cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dịch hợp lý, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của quốc gia giảm xuống dưới 15% (Hình 1), tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, đặc biệt là ngành dịch vụ tăng rõ rệt từ 36,9% năm 2010, lên 41,6% năm 2020.
Mặc dù tỷ trọng của ngành Nông nghiệp giảm trong cơ cấu GDP của quốc gia nhưng tốc độ tăng trưởng của Ngành này ngày càng được cải thiện. Điều đó cho thấy, hiệu quả sản xuất của ngành Nông nghiệp đang tăng lên. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành này chỉ là 0,49% nhưng đến năm 2018 đã đạt 3,76%.
Đặc biệt, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng là 2,68%, tăng 0,62% so với năm 2019, trong khi các ngành kinh tế khác tốc độ tăng trưởng đều giảm sâu so với năm 2019 (Hình 2). Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD.
Sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế cũng dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. Tính chung trên cả nước, tỷ lệ lao động trong ngành Nông nghiệp giảm xuống rõ rệt, từ 46,8% năm 2010 xuống còn 34% năm 2020, trong khi đó lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng mạnh.
Hai là, khoa học công nghệ ngày càng được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp… Ngoài ra, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý phát huy giá trị, lợi thế cho nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vùng miền..
Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi nông thôn phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2010-2019, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông; Có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, bê tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 64% số đường trục chính nội đồng đươc cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm… Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình. Ở nhiều vùng nông thôn, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm tiện ích đã bắt đầu phát triển.
Bốn là, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách thu nhập so với khu vực thành thị. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng lên, chiếm 73%. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) giảm từ 17,35% năm 2010 (theo tiêu chí cũ) giảm xuống 7,03% năm 2018 theo tiêu chí nghèo đa chiều) và đến nay chỉ còn khoảng 4,8%… Đã có nhiều nơi xuất hiện các hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo.
Đặc biệt, tính đến tháng 10/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Trong đó, có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được; có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Nhìn chung, trong gần 15 năm kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được triển khai vào thực tế, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM đã được thực hiện rộng khắp trên cả nước và đạt được nhiều thành tựu góp phần phát triển nông thôn nước ta và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Những tồn tại trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng quá trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM ở nước ta thời gian qua vẫn còn một số tồn tại sau:
Thứ nhất, kinh tế nông thôn phát triển chưa đồng đều. Kết quả xây dựng NTM trong thời gian qua cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền về số xã đạt tiêu chuẩn nông thông mới. Bên cạnh các tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM và một số địa phương đã chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, thì vẫn còn một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp dưới 20%.
Thứ hai, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, chủ yếu ở mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ gây cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, mối liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học còn hạn chế và thiếu bền vững.
Thứ tư, vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương khá phổ biến ở các vùng nông thôn; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước chuyển biến chưa thực sự rõ nét.
Thứ năm, chất lượng đạt chuẩn NTM và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng đã hoàn thành nhưng không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Nhiều xã ở các khu vực khó khăn được đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn, nhưng chất lượng đạt chuẩn chỉ ở mức “chạm ngưỡng”.
Giải pháp phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, phát triển kinh tế nông thôn là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng để phục vụ cho quá trình xây dựng NTM ở các địa phương. Vì vậy, để thực hiện được “mục tiêu kép” là phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp có tính định hướng cơ bản sau:
Một là, thống nhất nhật thức, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM cần gắn chặt với phát triển bền vững và bảo vệ môi.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cũng như hiệu quả cạnh tranh của hàng nông sản; Khuyến khích và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bảo quản và chế biến hàng nông sản. Bên cạnh đó, hỗ trợ các làng nghề truyển thống phát triển; Có các chính sách cụ thể hơn về tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại quy mô lớn ở nông thôn.
Ba là, thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Nhà nước cần chú trọng đến tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả đang hình thành ở các vùng nông thôn. Đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển các liên kết ba nhà (nhà nông dân-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học) bền vững ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Bốn là, có cơ chế huy động vốn và hỗ trợ tài chính phù hợp để đa dạng hóa các nguồn vốn cho quá trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Kêu gọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các vùng nông thôn có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực của nhà nước để đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn chưa đạt được chuẩn NTM.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, H.2008;
2. Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
3. Bộ Chính trị, Nghị quyết Số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, 2016.
(*) Ngô Thị Ngọc Anh, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.