Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020

PV.

Ngày 21/08/2017, Thủ tưởng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1256/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020.

 Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020.. Nguồn: Internet
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020.. Nguồn: Internet
Theo đó, Quyết định đã đưa ra mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, miền nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; từ đó tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tại Quyết định, Thủ tướng đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải đạt được, đó là:
Thứ nhất, hoàn thành 1.020 dự án chuyển tiếp với năng lực tăng thêm khoảng 5.518 km đường giao thông, 80 cầu có quy mô vừa, 68.970 ha diện tích tưới, 11 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 37 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh, 107 trung tâm hành chính, trụ sở quản lý nhà nước của các địa phương tập trung ở các đơn vị hành chính mới tách, lập.
Thứ hai, đầu tư mới 392 dự án giao thông với 3.110 km đường, 22 cầu; 63 dự án thủy lợi quy mô lớn có sức lan tỏa vùng, tăng thêm 99,000 ha diện tích tưới, hỗ trợ hoàn thành 10 trường đại học của địa phương; xây dựng mới 45 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách.
Thứ ba, đầu tư 56 kho lưu trữ chuyên dụng cấp tỉnh, trong đó 48 kho được hỗ trợ xây dựng mới, 4 kho được hỗ trợ cải tạo và 4 kho được hỗ trợ mua sắm thiết bị bảo quản tài liệu.

Về tổng vốn thực hiện Chương trình, Quyết định đã nêu rõ tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình là 189.337 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 101.841 tỷ đồng; và vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương là 61.000 tỷ đồng.Ngoài ra, vốn ODA là 26.496 tỷ đồng.

Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn phù hợp để thực hiện Chương trình, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Quyết định cũng đề ra các giải pháp thực hiện Chương trình, cụ thể:

Một là, giải pháp về chính sách:

Rà soát, đánh giá để xác định các ưu tiên đầu tư trong quá trình phân bổ nguồn vốn của Chương trình, gắn với quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cụ thể của từng dự án, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của chương trình. Đồng thời, cần tăng cường phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của Chương.

Hai là, giải pháp về nguồn lực:

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm bố trí vốn kịp thời, đầy đủ để thực hiện các dự án của Chương trình; trong đó, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các thành phần kinh tế.

Ba là, giải pháp về thực hiện, quản lý, giám sát Chương trình:

Cần thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án thuộc Chương trình. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tin học hóa, phần mềm quản lý danh mục dự án đầu tư kết nối từ trung ương đến địa phương thực hiện Chương trình.

Bốn là, giải pháp về hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Tại Quyết định Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hàng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan hướng dẫn thực hiện Chương trình. Hướng dẫn các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và các vấn đề liên quan nhằm thống nhất thực hiện Chương trình;

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình, xây dựng, tổng hợp kế hoạch trung hạn và hàng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn thực hiện Chương trình trong kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án của Chương trình.

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất các chính sách đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cán bộ liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương. Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung theo quy định.
Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình tại địa phương theo quy định. Lập, xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định. Tổ chức vận hành khai thác, sử dụng và bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.