Giải pháp phòng vệ thương mại khi nhập, xuất hàng hóa của Việt Nam
Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng. Để tăng cường hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế thì các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ chính sách quan trọng. Việt Nam đã và đang tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bài viết này đưa ra một số giải pháp để thực hiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam.
Đặt vấn đề
Phòng vệ thương mại (PVTM) là các công cụ được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu (NK) gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. PVTM bao gồm ba biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO (Uyên Chi, 2022). Theo đó, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh). Để góp phần tăng cường hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì các biện pháp PVTM đang trở thành công cụ chính sách quan trọng. Khi áp dụng các biện pháp PVTM trong suốt thời qua và trong tương lai, Việt Nam đã và đang tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cơ sở lý thuyết
Pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam
Lẩn tránh biện pháp PVTM là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp PVTM đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu (NK) vào lãnh thổ Việt Nam (khoản 1 Điều 72 Luật Quản lý ngoại thương 2017). Thuế chống bán phá giá là thuế NK bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá NK vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Thuế chống trợ cấp là thuế NK bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp NK vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Thuế tự vệ là thuế NK bổ sung được áp dụng trong trường hợp NK hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (khoản 5,6,7 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu (XK), thuế NK 2016).
Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa NK vào Việt Nam (gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi NK vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017).
Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa NK vào Việt Nam (gọi là biện pháp chống trợ cấp) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi NK vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (Điều 83 Luật Quản lý ngoại thương 2017)
Biện pháp tự vệ trong NK hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (gọi là biện pháp tự vệ) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được NK quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp tự vệ thương mại (TVTM) là một trong ba bộ phận cấu thành của biện pháp PVTM (bên cạnh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp). Trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa NK thì biện pháp tự vệ thường được coi như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước.
Lẩn tránh biện pháp TVTM là một trong những hành vi trốn tránh việc thực thi PVTM. Theo khoản 1 Điều 92. Điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ (Luật Quản lý ngoại thương 2017) thì các biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hóa NK khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) NK quá mức khi khối lượng hoặc số lượng hàng hóa NK gia tăng một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước; (2) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng; (3) Việc gia tăng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa NK quy định trên đây là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Pháp luật phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, điều luật về chống lẩn tránh thuế được quy định tại Mục 1321 của Đạo luật Thương mại liên ngành và Cạnh tranh 1988 (còn gọi là Đạo luật Thương mại 1988) với tên gọi “Ngăn chặn việc lẩn tránh lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” (được pháp điển tại Mục 781 Đạo luật Thuế quan ban hành năm 1930). Quy định của điều luật về chống lẩn tránh thuế ra đời tại Hoa Kỳ một mặt để theo kịp với quy định của EU về chống lẩn tránh thuế được thông qua vào năm 1987 và mặt khác là do quan ngại việc các nhà sản xuất châu Á tham gia vào các hành vi lẩn tránh thuế (Đinh Chiến & Thành Chung, 2024). Có 4 hành vi lẩn tránh bị cấm được quy định tại Mục 1321 nói trên, bao gồm: Lẩn tránh đối với hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở Hoa Kỳ (còn gọi là lẩn tránh thượng nguồn); hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở nước ngoài (qua nước thứ 3); sự thay đổi nhỏ đối với hàng hoá và hàng hoá phiên bản mới (lẩn tránh sản phẩm).
Thực trạng pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại
Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại tự do với 60 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 16 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch XK, trong thời gian qua, hàng hóa XK của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Hàng hóa XK của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp PVTM với tần suất cao. Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa XK của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra liên quan đến PVTM. Đến hết năm 2022 là 226 vụ việc điều tra và 17 vụ việc mới. Đến hết năm 2023 là 242 vụ và 15 vụ việc mới. Tính đến tháng 6/2024, hàng hóa XK của VN đối mặt với 252 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ (Nguyễn Minh Phong, 2024). Nguyên nhân của việc gia tăng số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa XK từ Việt Nam gắn với hệ quả của quá trình đẩy nhanh tự do hóa thương mại của Việt Nam với thế giới và cả xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau trong những năm gần đây. Trong năm 2023, hệ thống cảnh báo sớm đã thường xuyên theo dõi biến động xuất nhập khẩu của gần 200 mặt hàng XK của Việt Nam sang các thị trường, qua đó, đưa ra những cảnh báo cụ thể về nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM, giúp các ngành sản xuất trong nước có thời gian rà soát lại hoạt động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các nguy cơ thực sự diễn ra.
Bảng 1: Văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam |
||
STT |
Tên, Số hiệu văn bản và nơi ban hành |
Ngày ban hành |
1 |
Luật thuế XK, thuế NK 2016 số 107/2016/QH13 của Quốc hội. |
06/4/2016 |
2 |
Luật Quản lý ngoại thương 2017, số 05/2017/QH14 của Quốc hội. |
12/6/2017 |
3 |
Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp PVTM |
15/01/2018 |
4 |
Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025 |
28/3/2019 |
5 |
Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BCT năm 2024 hợp nhất Thông tư hướng dẫn nội dung về các biện pháp PVTM của Bộ Công thương. |
11/01/2024 |
6 |
Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ" |
04/7/2019 |
7 |
Quyết định 316 /QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM |
01/3/2020 |
8 |
Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM (PVTM) cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. |
19/5/2020 |
9 |
Thông tư số 30/2020/TT-BCT về việc Hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và Liên minh châu Âu về PVTM ” của Bộ Công Thương |
26/11/2020 |
10 |
Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. |
02/10/2021 |
11 |
Thông tư 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về PVTM (UKVFTA) của Bộ Công Thương. |
29/10/2021 |
12 |
Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BCT năm 2024 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương về biện pháp phát triển ngoại thương do Bộ Công thương ban hành |
21/02/2024 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ thư viện pháp luật.
Thực tế cho thấy còn có những hạn chế, khó khăn nhất định khi thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp TVTM như: Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về các biện pháp PVTM nói chung và chống lẩn tránh biện pháp TVTM nói riêng chưa đầy đủ và khả năng khởi kiện còn hạn chế; (ii) Khả năng phát hiện và ứng phó kịp thời khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cần phải áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp TVTM của cộng đồng DN còn chưa tương xứng; (iv) Việc thu thập dữ liệu thông tin để yêu cầu khởi kiện điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp TVTM của các DN vẫn còn gặp khó khăn…
Giải pháp thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại
Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý ngoại thương
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ngoại thương, cần quan tâm đến các nội dung: (i) Hoàn thiện, bổ sung các quy định liên quan đến biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; (ii) Hệ thống hóa, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động ngoại thương hiện hành, nội luật hóa các điều ước quốc tế trong chừng mực nhất định; (iii) Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp PVTM để thực thi có hiệu quả các biện pháp này.
Chính sách phát triển hoạt động ngoại thương như một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ngoại thương theo cả hai chiều xuất khẩu (XK) và NK. Chính sách này bao gồm chính sách chung và chính sách đặc thù: (1) Chính sách chung về phát triển ngoại thương, cụ thể Nhà nước thông qua các biện pháp như tín dụng, xúc tiến thương mại và các hoạt động hỗ trợ phát triển khác; Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương phải phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược ngoại thương trong từng thời kỳ; (2) chính sách đặc thù trong phát triển ngoại thương bao gồm: Chính sách phát triển hoạt động ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được cũng như các sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước; Chính sách khuyến khích các DN vừa và nhỏ, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện địa lý - kinh tế khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.
Phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam
Hoàn thiện các quy định pháp luật về chống lẩn tránh các biện pháp PVTM, trên cơ sở đảm bảo các cam kết về thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nhằm phù hợp với các thông lệ về thuế quan đã có hiệu lực, vừa đảm bảo cho các vấn đề về thuế quan trong cơ chế chống lẩn tránh PVTM ở nước ta trong thời gian tới. Tăng cường tận dụng ưu đãi thuế quan bằng việc sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi. Ngoài ra cần bổ sung chức năng điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Cục PVTM, thúc đẩy sự hỗ trợ của Hiệp hội ngành hàng, và phổ biến kiến thức cho cộng đồng DN (Lâm Hồng Loan Chị & Nguyễn Hoàng Thiện, 202Th.
Phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam
Các DN cần chủ động tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước mà mình XK, đặc biệt tại các thị trường XK lớn như Hoa Kỳ, EU… trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM , gian lận xuất xứ với hàng XK của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên. Đồng thời, chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không vi phạm, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. DN Việt cần tích cực hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước NK trong các vụ việc điều tra (Đinh Chiến & Thành Chung). Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, DN cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một số DN làm ảnh hưởng tới các DN sản xuất, kinh doanh chân chính. DN cần chủ động ứng phó và kết nối với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội trong việc thực hiện các biện pháp PVTM.
DN cần khắc phục tâm lý e ngại khi tham gia các vụ việc, sự chủ động chuẩn bị, tham gia tích cực của DN có vai trò quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả với các vụ việc bị điều tra, áp dụng PVTM. Những đơn vị khác như cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hiệp hội hoặc những cơ quan liên quan tham gia vào quá trình, xác nhận cho hoạt động DN chỉ là những tổ chức hỗ trợ cung cấp thông tin bổ sung, vai trò chủ động phải là của DN. DN cũng cần chủ động và tích cực trong việc tìm kiếm đa dạng hóa các thị trường XK để giảm bớt những rủi ro khi một thị trường bị điều tra, áp dụng một hoặc nhiều biện pháp PVTM (Hoàng Phương, 2022). Ngoài ra, DN cần tiếp tục nâng cấp hệ thống quản trị sản xuất cũng như hệ thống tài chính kế toán tiệm cận với những quy chuẩn của quốc tế. Khi phát sinh các vụ việc có liên quan đến hành vi chống lẩn tránh thuế, DN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tích cực trong tham gia các hoạt động điều tra, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các vụ việc điều tra có thể đảm bảo được kết quả tốt nhất cho chính DN. Xu hướng hội nhập và xu hướng mở cửa ngày càng diễn ra sâu rộng hơn thì những biện pháp PVTM sẽ tiếp tục xuất hiện và trở thành một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Do đó, cần xác định được những rủi ro và có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó.
Tài liệu tham khảo:
- Đinh Chiến & Thành Chung (2024). Quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM của Hoa Kỳ và những thực tế pháp lý DN Việt cần đặc biệt lưu ý. https://phaply.net.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-phong-ve-thuong-mai-cua-hoa-ky-va-nhung-thuc-te-phap-ly-doanh-nghiep-viet-can-dac-biet-luu-y-a255789.html;
- Hoàng Phương (2022). Ứng phó với PVTM và vai trò của doanh nghiệp. https://tapchicongthuong.vn/ung-pho-voi-phong-ve-thuong-mai-va-vai-tro-cua-doanh-nghiep-102065.htm;
- Lâm Hồng Loan Chị & Nguyễn Hoàng Thiện (2022), Pháp luật Việt Nam về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, số 15, tr. 154 – 165;