Giải pháp quản lý chất thải phóng xạ thời “thiếu kinh phí, bí công nghệ”
(Tài chính) Trong khi nguồn ngân sách dành cho việc xử lý chất thải phóng xạ còn hạn hẹp, công nghệ chưa thực sự hiện đại, mới đáp ứng được một phần nhu cầu, thì việc sớm kiện toàn hành lang pháp lý và quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng là việc làm quan trọng và cần thiết.
Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư 22/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhằm quản lý hiệu quả chất thải độc hại thải ra từ quá trình sản xuất điện hạt nhân. Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.
Trao đổi về Quy định mới này, giới chuyên gia cho rằng đây là biện pháp cần thiết mà Việt Nam phải có, cho dù trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cam kết là không sử dụng hay tái chế nguyên liệu sau khi sản xuất điện hạt nhân - tức là toàn bộ chất thải sau sản xuất điện này sẽ không ở Việt Nam, mà sẽ do đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất điện hạt nhân đem về nước họ xử lý. Tuy nhiên, chất thải từ sản xuất điện hạt nhân rất độc hại, là phần nguyên liệu đã được sử dụng sau khi sản xuất điện hạt nhân. Do đó, nhất thiết phải có biện pháp tối ưu nhất để quản lý lượng chất thải này ngay trong quá trình xử lý công nghệ hạt nhân và việc ban hành Quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhằm quản lý hiệu quả chất thải độc hại thải ra từ quá trình sản xuất điện hạt nhân là một hướng đi đúng đắn.
Theo quy định của Thông tư 22/2014/TT-BKHCN, chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất, tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.
Chất thải chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt động phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt động các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt động phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường. Đặc biệt, cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt động phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.
Về quản lý chất thải và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, Quy định nêu rõ: Với chất thải phóng xạ dạng rắn phải được thu gom, phân tách khỏi chất thải không phóng xạ và phân loại theo quy định. Việc thu gom phải đảm bảo các yêu cầu như: thu gom theo từng loại riêng biệt; khi thu gom chất thải phóng xạ dạng rắn trong thùng đựng thì thùng phải có nắp đậy, đóng mở bằng bàn đạp chân, có lót bao hoặc túi nylon ở trong, được thiết kế che chắn thích hợp để bảo vệ chống chiếu ngoài cho nhân viên bức xạ và có dấu hiệu cảnh báo bức xạ dán bên ngoài; các thùng, bao, túi sau khi thu gom phải được bao gói cẩn thận, dán nhãn thông tin nhận dạng; chất thải phóng xạ dạng rắn được thu gom phải lập thành hồ sơ và có các thông tin nhận dạng.
Với chất thải phóng xạ dạng lỏng (gọi là nước thải phóng xạ) phải được thu gom tách khỏi nước thải không phóng xạ vào các bể chứa hoặc bình đựng. Bình đựng phải được thiết kế che chắn thích hợp để bảo vệ chống chiếu ngoài cho các nhân viên và bảo đảm ngăn ngừa việc rò rỉ nước thải phóng xạ ra môi trường. Bình đựng nước thải phóng xạ thu gom phải đặt trong một thùng kim loại, có nắp đậy kín, gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ; các bình đựng phải dán nhãn thông tin nhận dạng và lập thành hồ sơ lưu giữ.
Chất thải dạng khí có chứa các nhân phóng xạ phát sinh từ các cơ sở sử dụng chất phóng xạ trong y tế, công nghiệp và nghiên cứu được lọc và kiểm soát để bảo đảm lượng nhân phóng xạ trong khí thải ra môi trường khi vận hành bình thường không vượt quá mức cho phép quy định tại Thông tư và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.
Chất thải dạng khí có chứa các nhân phóng xạ phát sinh từ nhà máy điện hạt nhân, cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu được xử lý loại bỏ các thành phần phóng xạ bảo đảm sao cho liều bức xạ đối với công chúng do phát thải khí và nước thải ra môi trường phải được cho phép theo giấy phép đã đăng ký. Khi chất thải có chứa các nhân phóng xạ ra môi trường vượt quá mức cho phép, chủ nguồn chất thải phóng xạ phải điều tra làm rõ nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và trong không quá 05 ngày làm việc phải báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Sở KH&CN địa phương.
Việc chuyển giao chất thải phóng xạ cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải bảo đảm các yêu cầu: có hợp đồng chuyển giao; bên chuyển giao có nghĩa vụ tài chính đóng góp phí xử lý,lưu giữ cho cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ; tuân thủ quy định về xin cấp giấy phép vận chuyển vật liệu phóng xạ; việc giao nhận phải được kiểm tra và xác nhận của các bên liên quan.
Việc chuyển giao kim loại nhiễm bẩn cho cơ sở tái chế phải được lập thành hồ sơ và lưu giữ với các thông tin cụ thể về chủng loại, khối lượng, kết quả kiểm tra mức nhiễm bẩn phóng xạ, thời gian, địa điểm…