Giải pháp quản lý thuế Uber, Grab qua dòng tiền
Taxi công nghệ Uber, Grab bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2015 với các chương trình thử nghiệm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Sau 2 năm, các hãng taxi công nghệ đã đưa đến cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều lợi ích, đặc biệt là sự tiện lợi giao dịch và giá phí hợp lý.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước có phần lúng túng với loại hình kinh doanh mới này. Do đó, ý kiến từ các bộ ngành chưa thống nhất. Cụ thể, Hà Nội cấm Uber, Grab trên nhiều phố; Bộ Công an đề nghị không kéo dài thí điểm Uber, Grab; Bộ Giao thông vận tải yêu cầu quản lý Uber, Grab như taxi… Thậm chí, các doanh nghiệp taxi truyền thống còn vận động tài xế trương khẩu hiệu phản đối và khiếu kiện ra tòa.
Trong khi đó, ý kiến người dân lại rất hoan nghênh và mong muốn được tiếp tục triển khai để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Từ thực tế này, giải pháp ứng xử của pháp luật với taxi công nghệ hiện nay và với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cần được nghiên cứu chu đáo, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và lợi ích xã hội.
Khi nghiên cứu chu trình hoạt động của Grab cho thấy, có 3 đối tượng cùng tham gia, gồm Grab, hợp tác xã (HTX) vận tải và tài xế. Theo đó, để thực hiện dịch vụ taxi hiện nay, Grab ký hợp đồng với HTX; HTX ký hợp đồng trực tiếp với tài xế.
Khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thanh toán cho Grab qua thẻ ngân hàng, hoặc thanh toán tiền mặt trực tiếp cho tài xế, sau đó tài xế nộp tiền lại cho Grab. Nói tóm lại, toàn bộ dòng tiền đều trở về tài khoản Grab trước khi phân phối trở lại cho các bên liên quan.
Với chu trình trên, có thể nói Grab quản lý hầu hết hoạt động kinh doanh, từ nguồn khách hàng đến dòng tiền. Thực tế này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thuế. Nguyên do là vì, bản thân Grab chỉ là một đơn vị công nghệ thuộc tập đoàn nước ngoài, việc quản lý doanh thu và thuế có phần rắc rối, do đụng chạm đến hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Bên cạnh đó, số lượng tài xế của Grab tăng với tốc độ rất nhanh, số lượng người nộp thuế phải quản lý rất lớn, việc tập trung quản lý tại một điểm sẽ là trở ngại cho riêng lẻ một cơ quan quản lý. Đối với các HTX, mặc dù có chức năng vận tải, nhưng hầu hết chỉ thực hiện việc cấp phù hiệu và khấu trừ thuế thu nhập của các tài xế. Tuy nhiên, việc khấu trừ thuế cũng hết sức khó khăn, vì bản thân các HTX cũng không kiểm soát được dòng tiền và không có công cụ quản lý thực hiện nghĩa vụ thuế của tài xế.
Như vậy, để quản lý thuế nhất thiết phải quản lý được dòng tiền tạo ra từ thu nhập. Trong bối cảnh quản lý Grab và tài xế đều khó khăn, thì việc quản lý các HTX sẽ thuận tiện hơn, bởi đây là các tổ chức trong nước, có bộ máy kế toán và có đủ cơ sở để quy trách nhiệm về thuế.
Tuy nhiên, nếu dòng tiền không chảy qua HTX thì cũng không có cơ sở để quản lý và thu thuế, nên cần điều chỉnh chính sách để hướng dòng chảy tiền tệ buộc phải qua kênh này. Theo đó, có thể thực hiện chu trình cho Grab như sau: Grab cung cấp nền tảng công nghệ, các tài xế thông qua các HTX đăng ký sử dụng phần mềm theo mức phí Grab đề xuất. Tất cả tiền thu được buộc phải qua HTX mà tài xế đăng ký, thay vì qua Grab như trước đây.
HTX phải mở tài khoản đặc thù và pháp luật sẽ có quy định cụ thể để đảm bảo việc sử dụng tài khoản minh bạch, có kiểm soát, và chi trả đầy đủ cho các bên liên quan. HTX có nghĩa vụ thanh toán phí công nghệ cho Grab trước khi khấu trừ thuế kinh doanh. HTX cũng thực hiện thanh toán phí cho tài xế và khấu trừ thuế trước khi thanh toán với Grab. Phần thu nhập còn lại thuộc về HTX và họ thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Việc quản lý thông qua các đơn vị vận tải trong nước như trên chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế và hành chính khác. Hơn nữa, còn tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được hưởng lợi ích từ công nghệ 4.0 mang lại.