Giải pháp thu hút hiệu quả dòng vốn FDI

PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà NộiTS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Swinburne Việt Nam - Trường Đại học FPT

Năm 2023 đánh dấu một giai đoạn mà nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức do môi trường quốc tế tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định và rủi ro cho quá trình phát triển, trong đó có cả những thách thức đặc biệt trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bài viết này phân tích toàn diện thực trạng thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2023 làm rõ thêm cơ hội mà Việt Nam có được trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động như hiện nay từ đó, gợi ý chính sách nhằm giúp dòng FDI đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, kết quả thu hút FDI năm 2023 cho thấy dấu hiệu tích cực và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng khoảng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022; vốn thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và tăng 0,6% so với 11 tháng năm 2023. Điều này cho thấy dấu hiệu khả quan trong triển khai các dự án ở trong nước.

- Phân tích theo hình thức đầu tư:

Theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hình thức vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, năm 2023, cả nước có 3.188 dự án được cấp mới (tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022), tổng vốn đặt ký đạt gần 20,19 tỷ USD (tăng 62,2% so với cùng kỳ). Hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cũng đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ, mặc dù có số lượng giao dịch giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 3.451 giao dịch.

Ngoài ra, năm 2023, cả nước cũng có 1.262 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ. Rà soát tình hình thu hút FDI trước và sau đại dịch COVID-19 có thể thấy, góp vốn mua cổ phần đang ngày càng trở thành một hình thức đầu tư quan trọng, đóng góp ngày càng lớn lượng vốn vào tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (Hình 1). Vốn đầu tư điều chỉnh dù giảm so với cùng kỳ nhưng đã được cải thiện hơn, điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Hình 1: Cơ cấu FDI năm 2023 theo hình thức vốn đầu tư (2018-2023) (tỷ USD)

Giải pháp thu hút hiệu quả dòng vốn FDI  - Ảnh 1

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

- Phân tích kết quả thu hút FDI theo ngành:

Trong năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó Top 5 ngành hấp dẫn các nhà đầu tư không có nhiều biến động kể cả từ trước giai đoạn COVID-19. Cụ thể, năm 2023, Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2022 và dự báo trong thời gian tới ngành này sẽ tiếp tục thu hút nhiều FDI trong giai đoạn tới.

Tiếp theo là ngành Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt gần 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Ngành Sản xuất, phân phối điện xếp thứ ba tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%). Đặc biệt, trong năm 2023, các ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đã lọt vào danh sách 05 ngành dẫn đầu trong thu hút FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,56 tỷ USD, gần gấp 27 lần so với năm 2022, chiếm 4,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư chung của các doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu và khu vực ASEAN.

- Về đối tác đầu tư:

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), các nhà đầu tư truyền thống từ khu vực châu Á vẫn là những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 18,6% tổng vốn FDI, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ hai là Nhật Bản với khoản đầu tư tương đương Singapore, gần 6,57 tỷ, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng khá nhiều so với năm 2022 (37,3%)…

- Về địa bàn đầu tư:

Trong 56 tỉnh thành mà các doanh nghiệp FDI lựa chọn đăng ký đầu tư năm 2023, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đăng ký khoảng 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đăng ký. Thứ hai là Hải Phòng với tổng vốn đăng ký là 3,26 tỷ USD, chiếm 8,9%, tăng 66,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội… Riêng 10 địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước.

Phân tích tổng lượng FDI theo hình thức đầu tư tại các địa bàn có thể thấy, Quảng Ninh, Thái Bình và Nghệ An là những địa phương thu hút lượng vốn đăng ký mới lớn nhất, lần lượt là 3,1 tỷ USD; 2,68 tỷ USD; 1,32 tỷ USD. Các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lại chủ yếu tăng tổng vốn FDI do tăng giá trị vốn góp và mua cổ phần.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD vào năm 2023, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một kết quả ấn tượng và là con số cao nhất trong 5 năm vừa qua. Có nhiều yếu tố dẫn đến những kết quả tích cực trong việc triển khai các dự án trong nước, trong đó sự đồng hành của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã góp phần cải thiện những vướng mắc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn FDI thực hiện của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn FDI thực hiện.

Triển vọng và giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam đã thu hút được một lượng đáng kể FDI và dư địa để thu hút thêm FDI là rất lớn, vì số lượng FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu.

Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng thì dòng vốn FDI sẽ chịu ảnh hưởng lớn của nền kinh tế toàn cầu. Thực tế cho thấy, những biến động mạnh trong dòng FDI vào Việt Nam khi các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008), cuộc khủng hoảng nợ công (2010), khủng hoảng do đại dịch COVID-19 (2020)... dẫn đến việc doanh nghiệp phải thoái vốn, tổ chức triển khai dự án chậm hoặc tỷ lệ vốn thực hiện so với cam kết không đảm bảo.

Hình 2: Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 theo đối tác đầu tư

Giải pháp thu hút hiệu quả dòng vốn FDI  - Ảnh 2

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023)

 

Những xu hướng lớn của nền kinh tế thế giới hiện nay như sự chuyển dịch địa chính trị, chuyển đổi số, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, hay việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT)... cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng FDI Việt Nam. Bối cảnh mới đầy rủi ro đã làm doanh nghiệp đa quốc gia cân nhắc dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc thông qua việc thực hiện chiến lược “Trung Quốc cộng 1” (China +1). Đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cách tiếp cận “không có dịch bệnh” (zero-covid) của Trung Quốc, cũng như các sự kiện khu vực và toàn cầu khác gần đây đã làm gián đoạn một số chuỗi cung ứng của Trung Quốc và khu vực. Điều này đã gây áp lực cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn phụ thuộc vào nguồn cung ứng hoặc sản xuất từ Trung Quốc phải đa dạng hóa hoặc tìm kiếm các điểm đến thay thế.

Ngoài ra, chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã tăng lên trong hơn hai thập kỷ qua. Cùng với đó là sự cạnh tranh rất cao ở Trung Quốc về lao động có tay nghề và cùng với vấn đề già hoá dân số đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong một số lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao và chuyên môn khác. Bối cảnh đầy biến động này đã tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam. Trong suốt 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Năm 2023, Trung Quốc xếp thứ nhất về số dự án đầu tư (chiếm 22,2%) và xếp thứ tư về tổng vốn đầu tư (chiếm 12,2%). Ngoài ra, quy mô dòng FDI toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tăng lên do quá trình chuyển đổi số sẽ giúp kết nối thế giới và làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, những rủi ro từ đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng như áp lực từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng giúp tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Hình 3: Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam (tỷ USD), 2018-2023

Giải pháp thu hút hiệu quả dòng vốn FDI  - Ảnh 3

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các năm

 

Có thể thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội tốt trong bối cảnh đầy biến động như hiện tại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thu hút FDI để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, để có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đạt được những mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ dòng vốn FDI trong khi không ngừng phát huy nội lực và đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao và được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở vững chắc giúp Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 50/NQ-TW cần có các nghiên cứu tiếp theo để cụ thể hóa việc thực hiện các định hướng, quan điểm chỉ đạo chung đã đề ra. Một số đề xuất chính sách để Việt Nam có thể thực hiện hiệu quả Nghị quyết 50/NQ-TW như sau:

Thứ nhất, do bối cảnh toàn cầu đầy rủi ro hiện nay mang lại cả cơ hội và thách thức, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cả “nguy” và “cơ” để tận dụng tốt nhất những cơ hội và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đối với dòng FDI. Việc tăng quy mô hay chất lượng FDI không phải là 2 mục tiêu tách rời mà phải gắn chặt với nhau cũng như việc tập trung vào quy mô hay chất lượng phải nội sinh với cơ cấu nguồn lực của đất nước và từng địa phương. Đồng thời, Việt Nam cần có chiến lược xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong thu hút FDI. Về ngắn hạn, bên cạnh những ngành chất lượng cao, vẫn cần tiếp tục thu hút FDI vào những ngành là thế mạnh truyền thống của Việt Nam như công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, Chính phủ cần ưu tiên những dự án giúp gia tăng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh của Đất nước, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn những dự án như vậy theo hướng nâng dần chất lượng dự án. Về dài hạn, cần chú trọng tới chất lượng dự án FDI, nhất là các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Thứ hai, chiến lược phát triển khu vực kinh tế có vốn FDI cần luôn đặt trong lộ trình phát triển chung của quốc gia. Để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần có một chiến lược và các kế hoạch hành động cụ thể, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và tiếp tục đổi mới không ngừng. Khi xác định các yếu tố công nghệ - đổi mới sáng tạo, bền vững - môi trường là ưu tiên trong quá trình phát triển, cũng cần xác định rõ một số định hướng về ngành/lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với xu thế phát triển và đặc biệt là dựa trên lợi thế so sánh của Đất nước. Trên cơ sở đó, mới có thể có các chiến lược và chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành/lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định.

Thứ ba, tiếp tục xác định rõ định hướng/mục tiêu thu hút và phát triển khu vực kinh tế có vốn FDI, đặc biệt phải định nghĩa rõ ràng thế nào là “FDI chất lượng cao”. Việc xác định được nội hàm và xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá FDI chất lượng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quá trình thu hút FDI theo đúng tinh thần Nghị quyết 50/NQ-TW.

Thứ tư, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Các gợi ý chính sách gồm có: (i) Có chính sách hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung, trong đó quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư; (ii) Có chiến lược khai thác và tận dụng lợi thế đem lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Đã ký kết; (iii) Hình thành đầy đủ và đảm bảo vận hành hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc thị trường đối với các loại thị trường phục vụ cho sản xuất hàng hóa (tài chính, đất đai, lao động, công nghệ…); (iv) Nghiên cứu, cải cách và ban hành những cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng xanh; (v) Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển thể chế đảm bảo các nguồn lực cần thiết để tổ chức, thực thi Luật Môi trường Việt Nam; (vi) Tổ chức các chương trình giám sát môi trường, đảm bảo cung cấp thông tin về môi trường và đảm bảo môi trường đầy đủ cho các nhà đầu tư tiềm năng trước khi cam kết đầu tư.

Thứ năm, cần có những chính sách để nâng cấp cơ cấu nguồn lực của đất nước để phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm kiếm nguồn lực chất lượng cao như kiến thức, công nghệ, hiệu quả hay điều kiện để sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài tận dụng những nguồn lực tự nhiên như tài nguyên thiên nhiên, vị thế địa chính trị trong khu vực ASEAN phát triển nhanh và gần Trung Quốc; dân số trẻ và năng động, Việt Nam cần bồi đắp và củng cố những nguồn lực nội tại như chất lượng môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, năng lượng, nước, khu công nghiệp), nguồn nhân lực; năng lực ngành công nghiệp phụ trợ… để thu hút các nhà đầu tư lớn, với mục tiêu dài hạn và có chất lượng.

Thứ sáu, cần có một kế hoạch cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hợp tác chiến lược với các nước dẫn dắt chuỗi giá trị để thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao. Đối với Việt Nam, ngoài việc tham gia vào chuỗi giá trị do Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nền kinh tế châu Á dẫn dắt, cần đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi giá trị mới dẫn dắt bởi Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia phát triển khác thông qua các lợi thế của các FTA thế hệ mới.

Thứ bảy, cải thiện môi trường thể chế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, từ đó, các doanh nghiệp trong nước mới có khả năng hấp thụ công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI chất lượng cao.

* Bài viết là sản phẩm thuộc đề tài “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới”, mã số: KX.04.18/21-2. 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024