Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang thị trường Châu Âu

TS. Nhan Cẩm Trí - Trường Đại học Kinh Tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính nhằm đánh giá thực trạng hoạt động xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu (EU) của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng trái cây vào thị trường đầy tiềm năng này trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, mở rộng thương mại qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đặt vấn đề

Xuất khẩu trái cây đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, tăng thu nhập ngoại tệ và quan hệ thương mại quốc tế, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu trái cây còn thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững và an ninh lương thực, tối ưu hóa sản xuất, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.

Gần đây, với xu thế toàn cầu hóa, nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ, mở rộng thương mại qua các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam có lợi thế khí hậu nhiệt đới, phù hợp trồng trái cây, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu, tạo giá trị kinh tế lớn. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 mở ra cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản sang EU, nhưng cũng đặt ra thách thức về tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe.

Bài viết này đánh giá thực trạng và vấn đề trong xuất khẩu trái cây vào EU, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giúp trái cây Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU trong bối cảnh EVFTA.

Tổng quan về Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA được đàm phán và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Tình hình nhập khẩu trái cây của EU

EU là thị trường chiến lược hàng đầu của các quốc gia sản xuất trái cây nhiệt đới.Theo dữ liệu cập nhật từ UN Comtrade (Hệ thống thông tin thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc), các quốc gia EU tiếp tục là những nước nhập khẩu trái cây hàng đầu thế giới trong năm 2023. Cụ thể, Hà Lan, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý vẫn nằm trong top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất. Các số liệu này phản ánh xu hướng tăng trưởng ổn định trong nhu cầu nhập khẩu trái cây tại EU.

EU hiện chiếm 45% giá trị thương mại toàn cầu đối với trái cây và rau quả tươi. Đáng chú ý, 5 trong số 10 nước nhập khẩu hàng đầu thế giới là quốc gia ở EU gồm Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý (Hình 1).

Hình 1: Các nước nhập khẩu trái cây và rau quả hàng đầu thế giới trong năm 2023 Nguồn: UN Comtrade, 2023
Hình 1: Các nước nhập khẩu trái cây và rau quả hàng đầu thế giới trong năm 2023 Nguồn: UN Comtrade, 2023

Nguồn gốc của trái cây nhập khẩu của EU đến chủ yếu từ các quốc gia nội khối và các nước đang phát triển. Trong đó, lượng trái cây nhập khẩu từ các nước ngoài khối EU phân theo chủng loại thì chuối, thơm và cam là ba loại được nhập khẩu nhiều nhất.

Thực trạng xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào EU

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản xuất nhiều loại trái cây nhiệt đới, nhưng năng lực xuất khẩu vẫn còn hạn chế và giá trị xuất khẩu sang một trong những thị trường nhập khẩu hoa quả lớn nhất thế giới như EU cũng còn rất khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Hệ thống sản xuất còn manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đủ năng lực

Để đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU, một trong những tiêu chuẩn cao nhất thế giới, đòi hỏi sự cẩn trọng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, từ khâu trồng trọt đến chế biến. Tuy nhiên, trái cây lại không phải là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nên các chính sách của Nhà nước dành cho cơ sở hạ tầng thiết yếu của ngành này vẫn còn khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất. Trong khi đó các hộ sản xuất, chế biến hoa quả ở Việt Nam đa phần là nhỏ lẻ, phân tán, không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn...

Ngoài ra, các phòng thí nghiệm đủ điều kiện và được công nhận để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các tạp chất khác cũng cần được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ ở các phòng thí nghiệm tư thường cao và quá sức chi trả đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có lượng trái cây xuất khẩu ít.

Chưa chủ động cập nhật thông tin, hướng dẫn về các quy định của EU

Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam, chủ yếu là vừa và nhỏ, thường thiếu hiểu biết về quy định khắt khe của EU. Thường các doanh nghiệp không có bộ phận chuyên môn nghiên cứu thị trường, thiếu điều kiện thuê tư vấn, dẫn đến việc thâm nhập thị trường khi thông tin chưa được nghiên cứu kỹ. Đặc biệt, nông dân hoàn toàn không nắm rõ thông tin thị trường EU.

Hiện tại, nguồn thông tin chính thống về quy định nhập khẩu là từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, thông tin chủ yếu trên trang web, không được dịch sang tiếng Việt, và không có tóm tắt hướng dẫn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và tuân thủ. Việc không tuân thủ quy định EU gây tổn thất cho nhà xuất khẩu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành trái cây Việt Nam.

Doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực và nguồn lực

Những hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực nhân sự và cả nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến vẫn còn những lô hàng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn, bị trả lại… Những khoản đầu tư này chỉ khả thi với các doanh nghiệp lớn nhưng với các doanh nghiệp nhỏ đây là thách thức do tình trạng thiếu nguồn lực. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa đầu tư nhiều cho vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trái cây phục vụ cho chế biến xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do thị trường đặt ra như GlobalGAP… nhưng diện tích của các vùng sản xuất đạt chuẩn lại còn rất khiêm tốn.

Doanh nghiệp thiếu liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị

Thiếu liên kết bền vững theo chuỗi giá trị, khó giám sát chất lượng là những rào cản lớn khiến thị trường trái cây nhiệt đới không gia tăng được giá trị bằng sản phẩm chế biến mà chỉ phục vụ thị trường chủ yếu dưới dạng trái cây tươi, khó xuất khẩu. Và cũng bởi chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi nên việc vận chuyển, bảo quản khi xuất khẩu đường xa sang EU cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đặc biệt, khi nông dân chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm trái cây chưa thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm nên dù cung không đủ cầu nhưng trái cây Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu và mở rộng thị trường.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi Hiệp định EVFTA

Cơ hội

EU có nhu cầu lớn về trái cây nhiệt đới trong khi Việt Nam có thế mạnh trong trồng trọt và sản xuất đa dạng các loại trái cây, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa thể khai thác hiệu quả thị trường này. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành trái cây Việt Nam, mở rộng thị trường ở EU.

Theo hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi hiệp định có hiệu lực với 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Khi Việt Nam vừa được hưởng thuế suất GSP cho trái cây, cộng thêm tác động từ hiệp định EVFTA sẽ là lợi thế rất lớn so với các nước không có FTA với EU như Brazil, Philippines, Indonesia…

Thách thức

Một là, thách thức từ các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS):

- Các quy định của EU tuân theo Hiệp định SPS của WTO, nhưng EU thường áp dụng tiêu chuẩn cao hơn khuyến nghị quốc tế và quy định an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn. Điều này là rào cản lớn đối với các nhà xuất khẩu trái cây, đặc biệt là từ các nước đang phát triển như Việt Nam.

- Vệ sinh thực vật và an toàn thực phẩm: Rau quả phải đáp ứng các quy định của Luật Thực phẩm tổng hợp EU, bao gồm truy nguyên nguồn gốc. Sản phẩm từ khu vực không xác định, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ bị cấm nhập khẩu. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và tuân thủ các yêu cầu vệ sinh để đảm bảo an toàn suốt chuỗi sản xuất. EU cũng quy định ngăn ngừa biến đổi không cho phép trong thực phẩm và đảm bảo sức khỏe con người.

- Kiểm dịch thực vật: EU có quy định kiểm dịch để bảo vệ cây trồng khỏi sinh vật gây hại. Nhà xuất khẩu cần Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, được ký bởi cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia, trước khi gửi hàng. EU sử dụng một mẫu giấy chứng nhận phù hợp với Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC).

- Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Trái cây nhập khẩu phải tuân thủ giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) để đảm bảo không gây hại cho người tiêu dùng và môi trường. Hiện tại, không có tiêu chuẩn MRL quốc tế thống nhất, mỗi quốc gia áp dụng tiêu chuẩn khác nhau cho cùng một sản phẩm.

Hai là, thách thức từ các rào cản kỹ thuật (TBT). Đối với các sản phẩm trái cây, EU chủ yếu chỉ tập trung các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, tuy nhiên vẫn có một số quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng bắt buộc các nhà xuất khẩu phải tuân theo:

- Quy định về dán nhãn thực phẩm: Các sản phẩm trái cây tươi và trái cây chế biến khi nhập khẩu vào EU cần tuân thủ các quy định chung về dán nhãn hàng thực phẩm. Các quy định về dán nhãn của EU có thể nói là tương đối phức tạp và chi tiết. Các nhà xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ các quy tắc này để tránh trường hợp thể hiện thiếu các thông tin bắt buộc, dẫn đến việc lô hàng có thể bị từ chối hay trả về.

- Tiêu chuẩn tiếp thị: Khác với một số quốc gia nhập khẩu lớn, việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp thị với trái cây tươi ở thị trường EU là bắt buộc. Pháp luật châu Âu đặt ra các tiêu chuẩn tiếp thị chung và cụ thể cho chất lượng và độ chín tối thiểu của tất cả các loại trái cây và rau quả tươi.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam vào EU

Từ thực trạng xuất khẩu mặt hàng trái cây của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU thời gian qua, tác giả đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trái cây vào thị trường tiềm năng này.

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Vấn đề vi phạm mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU. Ngành trái cây cần mở rộng và nâng cấp trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm công, cùng với việc thành lập thêm phòng thí nghiệm cấp quốc gia đạt chuẩn quốc tế được EU chấp thuận.

Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất trái cây. Đổi mới công nghệ là trọng tâm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến trình đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản trái cây. Để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, cần mở rộng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP và phát triển các sản phẩm hữu cơ thông qua ứng dụng công nghệ sinh học.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách đầu tư.

Để giải quyết phần lớn vấn đề các nhà xuất khẩu trái cây đang phải đối mặt, giải pháp lâu dài vẫn là nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư công nghệ phục vụ xuất khẩu. Chính phủ cần lập kế hoạch phân bổ nguồn tài chính cụ thể, rõ ràng, cũng như tiếp tục bổ sung và hoàn thiện những chính sách hỗ trợ về tài chính, nhân lực, công nghệ… dành cho mục tiêu phát triển các mặt hàng trái cây xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại.

Chính phủ cần tăng cường vai trò trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xây dựng trung tâm tiếp thị trái cây trong và ngoài nước, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia triển lãm nông sản quốc tế.

Cần phổ biến thông tin về thị trường EU cho doanh nghiệp. Nhiều vấn đề phát sinh do thiếu thông tin về quy định của EU. Do đó, cần nâng cao hiệu quả hệ thống cung cấp thông tin thị trường, bao gồm giá cả, cung cầu, và cập nhật chi tiết các quy định SPS và TBT mới nhất của EU.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách quản lý, giám sát

Hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và xuất khẩu trái cây, xác định rõ chức năng của các cơ quan chuyên môn: Bộ Công Thương quản lý thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tiết nguồn cung và khuyến cáo đầu tư sản xuất trái cây phù hợp theo giai đoạn để tối đa hóa giá trị thương mại.

Địa phương cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất, xác định diện tích canh tác và phân bổ tài nguyên hợp lý, quản lý sản xuất theo quy hoạch, khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Các bộ, ngành cần phối hợp giám sát an toàn thực phẩm, yêu cầu doanh nghiệp đăng ký vùng trồng, mã số từ sản xuất đến đóng gói để truy xuất nguồn gốc. Áp dụng chế tài mạnh đối với vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo vệ uy tín xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Thứ năm, chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin thị trường.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn hữu ích và xác nhận với nhà nhập khẩu về hệ thống quản lý và chứng nhận an toàn thực phẩm. Các trang web thường cung cấp thông tin quy định của EU bằng tiếng Anh, gây khó khăn cho doanh nghiệp thiếu chuyên môn và tiếng Anh. Doanh nghiệp nên đầu tư nâng cao năng lực nhân viên hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, dù làm tăng chi phí, nhưng đảm bảo lợi ích lâu dài và tăng giá trị xuất khẩu sang EU.

Thứ sáu, chủ động đầu tư hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như HACCP và GlobalGAP để kiểm soát chất lượng trái cây hiệu quả. An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu tại châu Âu, do đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải cung cấp sản phẩm đạt chuẩn chất lượng tốt.

Thứ bảy, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị trái cây xuất khẩu

Để chuỗi liên kết không bị manh mún, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mọi khâu từ sản xuất, thu gom, chế biến đến phân phối phải kiểm soát theo hợp đồng để tạo ra sản phẩm trái cây an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu ra và tăng giá trị trái cây.

Nhà nhập khẩu EU là nguồn thông tin hữu ích, việc giữ liên lạc thường xuyên giúp cập nhật quy định EU mới nhất. Xây dựng mối quan hệ gắn kết với nhà nhập khẩu còn giúp doanh nghiệp giảm bớt các tiêu chuẩn khắt khe, mang lại lợi ích lâu dài.

Tài liệu tham khảo

  1. Grumiller, J., Raza, W., Staritz, C., Tröster, B., von Arnim, R., & Grohs, H. (2018), The economic and social effects of the EU Free Trade Agreement with Vietnam. ÖFSE–Austrian Foundation for Development Research, 8(8), 2018;
  2. Nguyen Duc, H. (2021), Competing Workers’ Rights To Represent Workers As Viet Nam Joins Free Trade Agreements (Cptpp, Evfta) – a Challenge From Viet Nam’S Trade Unions. Revista de Investigaciones Universidad Del Quindío, 33(2), 153–162. https://doi.org/10.33975/riuq.vol33n2.568;
  3. Trong TRAN, D., Thu BUI, V., Minh, N. V., Son PHAM, T., Minh TRUONG, H., Thu DANG, T., & Van TRINH, T. (2021), Impact of EVFTA on Trade Flows of Fruits between Vietnam and the EU. Journal of Asian Finance, 8(5), 607–0616. https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8.no5.0607;Võ, T. T., Lê Quỳnh, H., &;
  4. Hoàng Thu, H. (2018), Effects of EVFTA on Vietnam’s apparel exports: An application of WITS-SMART simulation model. Journal of Asian Business and Economic Studies, 25(2), 4–28. https://doi.org/10.24311/jabes/2018.25.s02.1.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024