Giải quyết dứt điểm tranh chấp chung cư

Theo Thời Nay

Những lùm xùm chung quanh tranh chấp nhà chung cư đến nay vẫn chưa có lời giải. Để người dân được an tâm sống trong ngôi nhà của mình, Nhà nước cần có cơ chế xử phạt nghiêm khắc để hạn chế tình trạng khiếu kiện khắp nơi như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1/ Mới đây, tại chung cư Việt Đức Complex, ngõ 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân đã xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư khi người dân phát hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà-Việt Đức đã tự ý thay đổi thiết kế, cải tạo xây dựng các tầng kỹ thuật để sử dụng kinh doanh thương mại. Gần đó, tại chung cư Stellar Garden (Lê Văn Thiêm, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Xây dựng Quang Minh làm chủ đầu tư cũng đã xảy ra tranh chấp trong việc thu phí dịch vụ. Tại đây, một số chủ hộ không đóng tiền phí dịch vụ đã bị chủ đầu tư sử dụng biện pháp cắt nước. Quá bức xúc, nhiều cư dân đã xuống đường căng băng-rôn lên án chủ đầu tư để đấu tranh đòi quyền lợi. Sự việc dẫn đến những căng thẳng, mất an ninh trật tự trên địa bàn và chỉ đến khi có cơ quan chức năng xuất hiện thì vụ việc mới tạm thời được giải quyết.

Tình trạng căng băng-rôn, khẩu hiệu ngay dưới các tòa nhà, gây sự chú ý của người đi đường diễn ra tại hàng loạt dự án chung cư từ cao cấp tới bình dân. Những ngày gần đây, tại Khu đô thị Thanh Hà cũng xuất hiện tình trạng khách hàng tập trung tại trụ sở Ban Quản lý dự án căng băng-rôn đề nghị chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 phải bàn giao đất, trả sổ đỏ theo cam kết. Nhiều khách hàng cho biết, họ bỏ tiền mua đất từ 2016 nhưng đến nay khu đất vẫn chỉ là nơi cỏ mọc um tùm, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết đối với khách hàng. Có thể thấy, mâu thuẫn giữa cư dân với các bên như ban quản lý chung cư, ban quản trị và chủ đầu tư như ngọn lửa âm ỉ có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trong hầu hết các cuộc tranh chấp, mỗi bên đều có lý lẽ riêng, song dù kết quả thế nào thì cuộc sống của đại bộ phận cư dân cũng bị xáo trộn.

Anh Đức, cư dân chung cư Capital Garden tại 102 Trường Chinh cho biết, dù đã đưa dân về ở từ lâu, nhưng đến nay tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu PCCC, chưa được cấp sổ hồng… dù đại diện cư dân đã nhiều lần ý kiến nhưng chủ đầu tư vẫn né tránh. Mấy tháng trước, nhiều người hết hạn gửi xe dưới hầm nhưng không được gia hạn, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải ký hợp đồng để bảo đảm tài sản và phải có trách nhiệm nhưng họ không đối thoại, anh Đức cho biết.

2/ Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 11/2021, TP Hà Nội có 845 nhà chung cư thương mại được đưa vào vận hành, thành lập 632 ban quản trị nhà chung cư, bàn giao 560 hồ sơ cho ban quản trị. Song, mới chỉ có 399/560 ban quản trị được nhận bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Hiện nay, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì, mà còn nhiều vấn đề khác như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung-riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy… Trong đó, những sai phạm về quy hoạch và xây dựng là phổ biến nhất. 

Điều đáng nói là phần lớn các dự án có tranh chấp đều đã bàn giao cho người dân vào sử dụng. Những tranh chấp bắt đầu nảy sinh khi nhiều hạng mục trong tòa nhà không được hoàn thành theo cam kết lúc mở bán, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế căn hộ, công năng chung của tòa nhà thành căn hộ để tăng lợi nhuận. Thực tế trên dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa các bên, song các quy định pháp luật dường như chưa có chế tài cụ thể để xử lý những bất cập này, chưa kể có nơi còn dành sự “ưu ái” cho chủ đầu tư mà bỏ qua lợi ích của người dân. Đây là những bất cập cần sớm được sửa đổi để bảo đảm tính pháp lý và sự minh bạch của luật pháp.