Giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển

Đại tá, PGS., TSKHQS. Trần Nam Chuân - Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng

(Tài chính) Biển, đảo là vấn đề chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời là vấn đề nhạy cảm trong các quan hệ quốc tế. Trong lịch sử nhân loại, không ít trường hợp do những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo hoặc giải quyết các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo không thỏa đáng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang giữa các quốc gia ở những quy mô khác nhau.

 Giải quyết những vấn đề cấp bách để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển
Các việc làm và những hành động gần đây của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Điều 58 và Điều 77 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nguồn: internet
Lúc 05h22’ ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu HaiYang ShiYou 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là Hải Dương - 981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ phía Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương - 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc - 111 độ 12’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam đồng thời huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng, trong đó cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm, va vào các tàu thực thi pháp luật - tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về người và tài sản.

Các việc làm và những hành động trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Điều 58 và Điều 77 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, song những hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là việc làm trái với đạo lý, trái với luật pháp quốc tế, làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, bịa đặt, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục phớt lờ dư luận, dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn tại khu vực này.

Tình hình Biển Đông đang trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong những ngày qua, chính phủ, các nhà khoa học quân sự - chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đã đồng loạt lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển, thềm lục địa của Việt Nam. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực thi chính sách trỗi dậy, gây căng thẳng trong khu vực...

Trước các động xâm phạm của Trung Quốc, Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp sẵn có với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách về bảo vệ chủ quyền quốc gia, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, phải nắm vững luật pháp quốc tế, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo

Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Đây là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, là định hướng cho các cấp, các ngành, các lực lượng quán triệt và thực hiện trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển với các nước láng giềng. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, chúng ta phải dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước để đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các điều khoản Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Trong khi thực hiện pháp luật về lãnh thổ và luật biển không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực. Ưu tiên tiến hành đàm phán với các bên. Cần căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thông qua đàm phán để giải quyết một cách hòa bình. Ngăn chặn các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, gây chia rẽ quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; ảnh hưởng đến quá trình đàm phán.

Hai là, quán triệt mục tiêu, nguyên tắc, phương châm trong giải quyết các vấn đề “nóng” trên biển với các nước có liên quan

Giải quyết các vấn đề về xâm phạm chủ quyền vùng biển luôn là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, căng thẳng do đụng chạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, quá trình giải quyết các vấn đề có liên quan đến lãnh thổ, biển đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế,… phải bảo đảm các mục tiêu giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia bởi đây là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, quá trình giải quyết các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển thường gắn liền và đan xen trong các quan hệ chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại bởi đây là quá trình vừa đấu tranh quyết liệt, vừa phải thương lượng, thỏa thuận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ba là, xác định nội dung giải quyết các vấn đề về biển và vùng đặc quyền kinh tế trên biển phù hợp

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng gần gũi. Từ lâu hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển. Tuyến biên giới trên biển giữa các nước đã được xác định rõ chủ quyền hải đảo và thềm lục địa theo Hiệp ước Hiến chương Liên hợp quốc năm 1982, phân định đường biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, trên vùng biển, hải đảo vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp vì những lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục đàm phán với các nước láng giềng có liên quan để giải quyết và tìm ra những giải pháp gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trên cơ sở các hiệp định về luật biển đã ký kết với các nước ASEAN và Trung Quốc, các đơn vị cần chủ động phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Hải giám, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, hải đảo; tiến hành các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xâm phạm của phía Trung Quốc. Thông qua cơ chế phối hợp đã thỏa thuận và công tác đối ngoại phát hiện giải quyết những vấn đề nảy sinh, không để xảy ra xung đột vũ trang trên biển làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng trên vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bốn là, xây dựng, củng cố mối quan hệ phối hợp giải quyết các vấn đề về vùng biển với các nước


Ngày nay, quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các nước liên tục được mở rộng, phát triển đa phương, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Lợi ích quốc gia thường đan xen trong các quan hệ đó. Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ mọi quan hệ, mọi thời cơ, điều kiện thuận lợi để xúc tiến và thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cũng như phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định phát triển của mỗi nước để thương lượng, thỏa thuận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong công tác đối ngoại. Tăng cường trao đổi, hiệp đồng với các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh trên các vùng biển, đảo và chính quyền địa phương trên cơ sở các hiệp định, hiệp nghị, quy chế, thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên để tuyên truyền phát triển quan hệ hữu nghị, chủ động gặp gỡ giải quyết các vấn đề phức tạp đã xảy ra, không để căng thẳng kéo dài, gây xung đột.

Trên Biển Đông hiện tại và tương lai còn nhiều thách thức khó lường, đòi hỏi mỗi người dân phải vượt qua và kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.