Giải tỏa điểm nghẽn cho giám sát thị trường tài chính

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Cùng phát triển nhanh chóng, song trình độ quản trị, điều hành, giám sát thị trường tài chính (TTTC) vẫn chưa bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của TTTC, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập và duy trì ổn định tài chính. Muốn thực hiện điều này, cần thiết phải chuẩn bị những nền tảng căn bản có tính dài hạn để công tác giám sát tài chính (GSTC) thực sự phát huy hiệu quả.

 Giải tỏa điểm nghẽn cho giám sát thị trường tài chính
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng đã giảm nhờ các biện pháp giám sát thị trường tài chính chặt chẽ. Nguồn: internet

Tiền đề cải cách cơ bản

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, TTTC Việt Nam đã hình thành và phát triển, góp phần phân bổ hiệu quả nguồn vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế. Sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường xuất hiện một số khiếm khuyết có thể gây ra rủi ro bất ổn. TTTC đã xuất hiện một số tập đoàn tài chính với mô hình công ty mẹ là những ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết là các công ty chứng khoán, bảo hiểm. Mô hình này tạo điều kiện phát triển nhiều loại rủi ro trong khi quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Trước thực tế đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những bước đi cần thiết để ổn định tình hình, làm tiền đề cho những cải cách cơ bản và dài hạn hơn. Thủ tưởng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 254/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”; Quyết định 1826/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tái cơ cấu thị trường chứng khoán" tập trung vào các tổ chức kinh doanh chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp...

Trên cơ sở đó đã tái cơ cấu toàn diện một loạt tổ chức tín dụng yếu kém; thanh khoản được cải thiện, chất lượng tài sản tốt hơn, vốn chủ sở hữu được bổ sung giúp các ngân hàng gia tăng khả năng chống đỡ rủi ro và các mặt hoạt động khác như chiến lược, đầu tư… cũng được củng cố.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, lạm phát đã đươc kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định và dự trữ ngoại hối tăng. Chiến lược xử lý nợ xấu được thông qua và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời, góp phần tích cực vào quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, 20 công ty chứng khoán được tái cơ cấu, tỷ lệ an toàn tài chính, chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán được nâng cao. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính giảm mạnh, các tài sản có rủi ro cao và thanh khoản thấp giảm trong khi vốn khả dụng tăng cao hơn.

Thiếu bao quát

Ở Việt Nam hiện nay, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động giám sát TTTC đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đơn cử, đối với hoạt động giám sát ngân hàng có Thông tư 10/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về xử lý sau thanh tra, giám sát đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chỉ thị 03/NHNN về công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng…

Đối với hoạt động giám sát thị trường chứng khoán có Luật Chứng khoán, các nghị định của Chính phủ trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán... Trong lĩnh vực bảo hiểm có Nghị định số 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

Xét trên cấu trúc, hiện tại, hệ thống GSTC của Việt Nam hoạt động dựa trên mô hình giám sát theo chuyên ngành. Sự phối hợp của các cơ quan giám sát chuyên ngành và cơ quan quản lý khác chủ yếu thông qua các thông tư liên tịch về phối hợp, trao đổi thông tin giám sát, xử lý vi phạm; lấy ý kiến đóng góp đối với chính sách, các dự thảo văn bản pháp quy và sự điều phối hoạt động giám sát của Ủy ban GSTC quốc gia.

Tuy vậy, hiện nay, giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành chưa có một thông tư liên tịch nào về phối hợp trong công tác giám sát. Việc gửi văn bản xin ý kiến đóng góp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành và tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp đôi lúc mang tính hình thức, tiếp thu và giải trình chưa thật sự đi vào chiều sâu. Trong khi đó, Ủy ban GSTC quốc gia mới được thành lập và đi vào hoạt động khi chưa có văn bản pháp quy quy định việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban GSTC quốc gia.

Giảm thiểu tiêu cực

Về hoạt động giám sát TTTC, TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban GSTC Quốc gia nhận định, nền tảng cơ sở ban đầu cho giám sát hữu hiệu TTTC Việt Nam đã được hình thành và củng cố theo thời gian. Song, những bất ổn TTTC càng cho thấy rõ những khúc mắc, điểm nghẽn cần được giải tỏa để tiến vào giai đoạn phát triển cao hơn.

Đề xuất giải pháp, TS. Trương Văn Phước cho rằng, việc đầu tiên cần làm là thiết lập khuôn khổ xử lý rủi ro hệ thống, duy trì ổn định tài chính vì đó là điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa TTTC với nền kinh tế thực và ngược lại.

Hướng tới TTTC ổn định đồng nghĩa với sự phối hợp chặt chẽ, hợp lý giữa các cơ quan hữu quan trong mạng lưới giám sát/quản lý TTTC nhằm phát hiện sớm quá trình hình thành và ngăn chặn rủi ro hệ thống. Sự phối hợp hành động giữa các cơ quan hữu quan còn cần được thể hiện qua việc xác lập khuôn khổ xử lý bất ổn tài chính hay nói cách khác là giảm bớt xác suất xảy ra đổ vỡ, đảm bảo quá trình giải thể diễn ra một cách có trật tự, hạn chế lan truyền rủi ro đến các định chế khác và TTTC.

Nhìn tổng thể, hiện tại, Việt Nam đã trang bị được một cơ sở hạ tầng tài chính tương đối đầy đủ để hỗ trợ cho sự phát triển của TTTC nhưng so sánh với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường và áp lực lớn của việc hội nhập, hệ thống cơ sở hạ tầng đã bộc lộ nhiều bất cập cần khẩn trương được sửa đổi, khắc phục- TS. Phước nêu.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nên cân nhắc tới việc thể hóa bằng luật hoặc các quy định dưới luật về một mạng an toàn tài chính hoạt động hiệu quả với trọng tâm là quản lý và giám sát an toàn hệ thống tài chính; đóng vai trò là người cho vay cuối cùng; xử lý rủi ro đổ vỡ hàng loạt định chế tài chính; bảo hiểm tiền gửi, duy trì niềm tin vào TTTC.

Điểm cuối cùng và quan trọng không kém và việc tăng cường công bố thông tin  đảm bảo tính minh bạch, chính xác, có ý nghĩa và kịp thời tới các cơ quan quản lý, đối tác, nhà đầu tư và cộng đồng, tránh gây ra những nhận định thiếu chính xác và gây thiệt hại đến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp, tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin, sự lành mạnh và bền vững của thị trường. 

Chủ tịch Ủy ban GSTC quốc gia Vũ Viết Ngoạn:

Tái cấu trúc TTTC Việt Nam không chỉ dừng ở việc khắc phục những hậu quả như nợ xấu, thanh khoản…mà hơn thế nữa, chúng ta phải có những thay đổi căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường và cả tư duy chính sách để kiến tạo một nền tảng tài chính vững vàng, đảm đương được vai trò phân bổ nguồn lực xã hội một cách có hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự ổn định để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:

Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay không phải là nên chạy theo mô hình GSTC nào để cho việc giám sát và phối hợp chính sách giám sát có hiệu quả. Thay vào đó, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ thể chế sẽ giúp cho việc giám sát an toàn tài chính cũng như sự phối hợp chính sách giám sát với chính sách kinh tế vĩ mô trở nên hiệu quả và thực chất hơn. Đây cũng là mục tiêu lớn hơn của việc xây dựng lại hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả cũng như tái cấu trúc lại nền kinh tế thực mà Việt Nam đang theo đuổi.