Giảm chi ngân sách - thần dược hay độc dược cho châu Âu?

Theo Vnexpress

Giới đầu tư đang lo ngại rằng những biện pháp cắt giảm ngân sách hà khắc của châu Âu có thể là con dao hai lưỡi, gây ra một cuộc khủng hoảng khác.

Khủng hoảng ngân sách đang trở thành cụm từ đáng sợ nhất đối với các nhà đầu tư khu vực châu Âu. Một loạt quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland đã thực hiện ngay các biện pháp cắt giảm chi tiêu, huy động ngân sách nhằm tránh đi vào vết xe đổ của Hy Lạp. Hồi tháng 5, Italy đưa ra cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách 24 tỷ euro (tương đương 30 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2012.

Ngay cả những người khổng lồ của khu vực như Đức cũng đã phải run sợ. Hôm 8/6, nước này công bố một loạt chính sách nhằm tiết kiệm khoảng 80 tỷ USD từ nay đến năm 2014. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel hy vọng hành động này sẽ phần nào trở thành một ví dụ cho các thành viên EU khác tham khảo. Tương tự, Pháp cũng tuyên bố hành động để giảm thâm hụt như xóa bỏ một số chính sách miễn giảm thuế, ngừng các chương trình chi tiêu tốn kém kể từ năm sau.

Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm ngân sách lại làm dấy lên một mối lo mới. Giới đầu tư quan ngại liệu sự cắt giảm quá hà khắc có phải là con dao hai lưỡi, đẩy các nền kinh tế rơi trở lại vùng suy thoái.

Phe ủng hộ việc cắt giảm ngân sách trấn an rằng bức tranh thực tế không hẳn sẽ là quá tồi tệ. Ví dụ điển hình là biện pháp giảm thâm hụt khoảng 80 tỷ euro của Đức sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm. Theo tính toán thì mục tiêu tiết kiệm ngân sách sẽ đạt được sớm vào năm 2013 hay chậm nhất vào cuối năm 2014, trong khi đó ngay năm sau thì Đức có thể gặt hái hiệu quả từ việc giảm thâm hụt ngân sách 11,2 tỷ euro, ít hơn 0,5% GDP. Nếu đạt được mục tiêu như dự tính, Đức sẽ xua tan được mối nghi ngại mức thâm hụt có thể lên đến 1,5 - 2% GDP trong năm nay.

Đối với các nước nhỏ và nhất là có nguy cơ vỡ nợ cao, con đường giải quyết thâm hụt sẽ gian nan hơn. Nhất là Hy Lạp, "cái rốn" của cuộc khủng hoảng nợ công hiện tại khi thâm hụt của nước này ở mức 13,6% tổng sản phẩm quốc nội và nợ công lên tới 115,1% GDP. Tuy nhiên, ngân hàng Barclays Capital cũng lưu ý rằng những nền kinh tế này chỉ đóng một vai trò nhỏ trong EU. Như Hy Lạp, chỉ chiếm 2,6% tổng sản phẩm của khu vực đồng tiền chung. Do đó, các biện pháp cắt giảm thâm hụt ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha sẽ chỉ có một ảnh hưởng tương đối nhỏ đối với khu vực.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về ảnh hưởng của làn sóng cắt giảm này. Có nhiều chính sách còn kéo dài tới năm sau, do đó hiệu quả và hậu quả của nó vẫn chưa thể kết luận ngay lập tức. Bên cạnh đó, những người đi theo lý thuyết của nhà kinh tế học Keynes tin rằng việc cắt giảm chi tiêu ngân sách tất yếu sẽ làm suy yếu tăng trưởng GDP. Hành động của các nước nhằm giải quyết thâm hụt ngân sách có thể gây lo lắng cho người tiêu dùng họ cho rằng vì việc tăng thuế suất nhằm giảm nợ công có thể sẽ làm tổn hại tới tình hình tài chính cá nhân. Nghiên cứu của chuyên gia Christiane Nickel và chuyên gia Isabel Vansteenkiste từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy có sự liên quan giữa thâm hụt ngân sách cao với gia tăng các khoản tiết kiệm tư nhân.

Nhưng trong một số trường hợp khác, việc giảm chi ngân sách có thể hỗ trợ tăng trưởng, hoặc gây ra ít thiệt hại hơn so với các mô hình của Keynes. Nghiên cứu của chuyên gia Alberto Alesina từ Đại học Harvard và chuyên gia Roberto Perotti từ Đại học Bocconi cho thấy việc điều chỉnh ngân sách dựa vào cắt giảm các khoản chi cho phúc lợi xã hội hoặc hóa đơn tiền lương của chính phủ sẽ tạo ra lợi ích về lâu dài, kéo giảm mức nợ công xuống thấp hơn và kích thích tăng trưởng GDP nhanh hơn so với việc giảm chi ngân sách dựa trên việc tăng thuế và cắt giảm đầu tư công.

Hầu hết các nước châu Âu đều chọn kế hoạch giảm tiền lương khu vực công và phúc lợi, là các hình thức cắt giảm ngân sách ít gây tổn hại cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Việc cắt giảm mạnh tay chi tiêu khu vực công và phụ cấp đã được tiến hành ở Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Italy dự định giảm lương khu vực công trong ba năm. Đức và Hy Lạp sẽ giảm chi lương hưu. Bồ Đào Nha giảm trợ cấp thất nghiệp.

Nhìn chung việc giảm thâm hụt ngân sách bằng bất cứ phương thức nào thì cũng hiếm khi tạo hiệu ứng tốt cho sự tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế suy yếu tại một số nước châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ hay Đức là vấn đề thắt chặt chi tiêu tiêu dùng, thì biện pháp giảm lương khu vực công và phúc lợi xã hội có thể sẽ vớt vát thâm hụt ngân sách, tuy nhiên vẫn khó tránh khỏi rủi ro chi tiêu sụt giảm.