Giảm giá, nhưng chưa có xe

Theo Hùng Lê/sgtiepthi.vn

Hiện nay, một số hãng xe đã phát đi thông tin giảm giá bán đến 200 triệu đồng đối với một số mẫu xe. Chỉ có điều hiện nay họ chưa có xe để bán, và người có nhu cầu mua sẽ phải chờ ít nhất hai tháng nữa mới thấy chiếc xe được hình hài chiếc xe giảm giá ra sao.

CR-V của hãng Honda, nếu đặt cọc từ bây giờ thì khả năng trong tháng 4-5 mới có xe giao cho người mua. Nguồn: internet
CR-V của hãng Honda, nếu đặt cọc từ bây giờ thì khả năng trong tháng 4-5 mới có xe giao cho người mua. Nguồn: internet

Tháo nút thắt VTA

Ngay khi được nhập khẩu lô xe CR-V đầu tiên từ Thái Lan, Honda Việt Nam đã công bố giảm giá gần 200 triệu đồng/chiếc cho mẫu xe này nhờ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Động thái này của Honda Việt Nam có thể buộc các nhà lắp ráp ô tô trong nước phải giảm giá theo để cạnh tranh.

Như vậy, sau hai tháng bị ách tắc với các quy định về nhập khẩu trong Nghị định 116, đây được xem là lô xe ô tô thương mại đầu tiên được phép nhập về. Có ba phiên bản của Honda CR-V được liên doanh ô tô Nhật Bản này niêm yết giá bán từ 958 triệu đồng đến 1,068 tỉ đồng. So với thời điểm phân phối trước đó do phải chịu thuế nhập khẩu 30%, giá bán hiện tại của bản CR-V 1.5E và 1.5G giảm 178 triệu đồng, bản 1.5G giảm được 188 triệu đồng/chiếc.

Thực tế, giá bán này giống như Honda Việt Nam đã dự kiến ngay khi giới thiệu mẫu xe này vào tháng 10 năm ngoái. Do gặp khó khăn về giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường đối với loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp (VTA) như quy định trong Nghị định 116 có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, nên hãng không nhập xe về được.

Trong đợt này, Honda Việt Nam cũng lần đầu tiên nhập về mẫu xe Jazz với giá bán từ 539-619 triệu đồng/chiếc. Hãng cũng nhập cả hai mẫu Civic và Accord nhưng giá bán vẫn giữ như cũ. Đại diện Honda VN cho biết, hai mẫu xe Accord và Civic 1.5L năm ngoái đã được giảm giá từ 52-192 triệu đồng nên giá bán hiện nay sẽ không thay đổi.

Sau Honda Việt Nam, đến nay chưa có thông tin các thương hiệu ô tô khác nhập xe nguyên chiếc từ thị trường này về. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam, một khi Chính phủ Thái Lan đã có mẫu loại giấy VTA, nghĩa là không chỉ riêng Honda mà các hãng khác cũng có thể sẽ sử dụng loại giấy này để được nhập khẩu ô tô vào Việt Nam theo quy định của Nghị định 116. Do đó, vấn đề chỉ còn là thời gian và chiến lược của các hãng mà thôi.

Không chỉ Thái Lan, Chính phủ Indonesia cũng lên tiếng là đang nỗ lực giải quyết khó khăn về giấy VTA để ô tô nước này xuất khẩu sang Việt Nam được phục hồi. “Chính phủ Indonesia sẽ thông báo cho Việt Nam về sự thay đổi trong cấp giấy VTA để có được phản hồi ngay lập tức. Hy vọng việc xuất khẩu xe hơi sang Việt Nam sớm trở lại”, tờ The Jakarta Post ngày 1/3 dẫn lời ông Oke Nurman, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia.

Ở đất nước vạn đảo này, Toyota Việt Nam có lượng xe nhập khẩu nhiều nhất là chiếc Fortuner. Tháo nút thắt về giấy VTA, ô tô nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan và Indonesia xem như đã rộng cửa về Việt Nam trong thời gian tới. Lúc đó, những mẫu xe như Toyota Fortuner, Wigo, Avanza, Honda CR-V, Jazz, Civic, hay dòng bán tải của gần 10 thương hiệu ô tô con sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% so với mức 30% của năm 2017. Đây là cơ sở để người tiêu dùng trong nước kỳ vọng giá xe rẻ hơn so với hiện tại. Theo ước tính của giới kinh doanh, khi thuế nhập khẩu giảm 30% thì giá xe bán ra sẽ giảm từ 10-15%.

Có VTA nhưng giá không giảm

Hiện nay, Việt Nam cũng nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu. Tuy nhiên, đến nay chưa rõ Nhật Bản và Mỹ có cấp loại giấy này hay không bởi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và cơ quan ngoại giao của hai nước này trong thời gian qua đã nhiều lần lên tiếng phản đối về yêu cầu giấy VTA trong Nghị định 116.

Trong khi đó, ở một số nước châu Âu như Đức lại cấp giấy chứng nhận loại này. Đại diện một số nhà nhập khẩu xe từ Đức cũng cho biết, họ có thể tìm được VTA, một loại chứng nhận nhằm cung cấp thông số kỹ thuật và chủng loại xe phục vụ cho mục đích đăng kiểm. Song, họ phải điều chỉnh một số thông số kỹ thuật như khí thải hay chất liệu cho từng kiểu thời tiết để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những thị trường này lại không bị ảnh hưởng về giảm thuế nhập khẩu như thị trường khu vực ASEAN. Do đó, nếu các nước này có cấp giấy VTA thì lượng xe và chủng loại xe nhập khẩu ở trong nước sẽ phong phú hơn chứ không ảnh hưởng nhiều về giá bán phải giảm theo thuế nhập khẩu.

Không sớm có xe

Mặc dù Thái Lan đã cấp giấy VTA, nhưng để xe có bán trên thị trường và giao đến tay người mua cũng phải mất 1-2 tháng. Quy định kiểm định theo lô là một trong những nguyên nhân khiến xe về cảng nhưng phải chờ đợi thêm, kéo dài thời gian đến tay khách hàng.

Chẳng hạn như xe CR-V của hãng Honda, nếu đặt cọc từ bây giờ thì khả năng trong tháng 4-5 mới có xe giao cho người mua. Theo quy định của Nghị định 116/2017, khi kiểm tra khí thải, chất lượng an toàn cho mỗi lô xe nhập về phải mất đến hai tháng.

Trong khi đó, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam cho biết chưa thể đưa các mẫu xe nhập khẩu về sớm như Honda bởi phải đặt hàng nhà máy lại từ đầu.

Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, từ khi đặt hàng tới lúc có thể rời nhà máy, lên tàu về Việt Nam sẽ mất khoảng ba tháng hoặc nhiều hơn. Như vậy, ít nhất tháng 6 mới có xe nhập khẩu của Toyota từ Thái Lan nếu liên doanh này đã bắt đầu làm thủ tục từ bây giờ. Tình hình này cũng tương tự đối với một số hãng xe khác.