Giảm lãi suất cho vay: Áp lực với ngân hàng thương mại

Theo tapchithue.com.vn

Giảm lãi suất cho vay sẽ mang lại tín hiệu vui cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, với diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế của ngân hàng hiện nay, cơ hội để các ngân hàng cùng đồng thuận giảm lãi suất vẫn đang là bài toán khó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, ngay sau Hội nghị đối thoại Thủ tướng với DN được tổ chức tại TP HCM ngày 29/4, các ngân hàng gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank… đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm. Theo đó, mức lãi suất trung và dài hạn đối với khách hàng tốt được các ngân hàng này áp dụng ở mức không quá 10%/năm.

Mặc dù đánh giá cao việc một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, song TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, động thái giảm lãi suất trong vài ngày qua chỉ thuộc về những ngân hàng lớn, có thanh khoản tốt và có nguồn vốn huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp rất lớn từ các tổ chức kinh tế (tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và khu vực tư nhân. Để diễn biến này lan rộng ra toàn hệ thống và trở thành xu hướng trong thời gian tới thì cần thời gian để chứng minh. Bởi theo giới chuyên môn, trong bối cảnh chi phí hoạt động của các ngân hàng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) được duy trì ở mức khá thấp (theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NIM của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 duy trì ở mức 2,74%) sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng ổn định của các ngân hàng. Các tính toán cho thấy, để hoạt động ngân hàng ổn định và có lãi, thì NIM sẽ phải đạt ở mức 3%, do đó nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thì NIM sẽ lại càng thấp hơn, khi đó khó khăn sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động của các ngân hàng. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh đó, các ngân hàng ở mức trung bình và nhỏ sẽ khó có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay. “Chúng tôi sẽ chờ xem, các ngân hàng đầu tàu hạ lãi suất có thể kéo được cả hệ thống đi theo không hay, chỉ là hiện tượng cá biệt” - ông Hiếu chia sẻ.

Trên thực tế, áp lực tăng lãi suất đã xuất hiện từ cuối năm 2015 và tiếp tục nhen nhóm trong những tháng đầu năm 2016 khi nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn, cùng với đó, lãi suất cho vay cũng tăng nhẹ. Lãi suất tăng là do nhu cầu thu hút vốn của các ngân hàng tăng trong bối cảnh rủi ro thanh khoản dự báo sẽ lại xuất hiện, khi tăng trưởng tín dụng liên tục vượt tăng trưởng huy động trong thời gian qua. Lãi suất tăng cũng là do các ngân hàng cần cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn để đón đầu việc sửa đổi Thông tư 36 của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%. Bên cạnh đó, lãi suất tăng còn do kỳ vọng lạm phát năm 2016 sẽ tăng cao hơn nhiều so với mức lạm phát 0,63% của năm 2015 và chêch lệch lãi suất VND-USD đã giảm về mức thấp, trong khi lãi suất USD đang trong xu hướng tăng cũng gây áp lực lên lãi suất VND.

Với diễn biến trên ông Hiếu nhận định, cơ hội để ngành ngân hàng giảm lãi suất trong năm 2016 sẽ là rất khó, trừ trường hợp, NHNN “bơm” một lượng tiền rất lớn vào lưu thông, nhằm tạo ra thanh khoản lớn trong ngắn hạn để đưa lãi suất huy động trên thị trường giảm, thì lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm theo.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, đợt giảm lãi suất này chủ yếu đến từ mệnh lệnh hành chính, còn nhìn về các yếu tố thị trường thì cơ hội giảm lãi suất trong năm 2016 là rất ít. Do đó, để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN thì cần phải giảm giá thành từng cấu phần hình thành lên lãi suất. Cùng với đó là đưa ra các giải pháp khơi thông dòng vốn theo hướng đưa vốn đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, chứ không tạo ra cầu ảo.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, mặt bằng lãi suất vẫn có thể giảm thêm 0,5%-1%, với điều kiện phải thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là, NHNN cần xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng mức 1%; riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%. Đồng thời, điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức <10% về="" mức=""><8%. nhờ="" đó,="" ước="" tính="" có="" thể="" giải="" phóng="" thêm="" nguồn="" vốn="" tín="" dụng="" cho="" nền="" kinh="" tế="" khoảng="" 100.000="" tỷ="" đồng="" so="" với="" thời="" điểm="" hiện="">

Tiếp đến, cần giảm phát hành trái phiếu chính phủ, bởi lẽ lâu nay các tổ chức tín dụng nắm giữ tới 85% hàng hóa này. Nếu dự kiến năm 2016, kế hoạch phát hành của kho bạc là 220 nghìn tỷ đồng thì nhiều khả năng, các ngân hàng sẽ mua tới 187 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Do đây là nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nền kinh tế nên Chính phủ sẽ cạnh tranh gay gắt cả số lượng lẫn lãi suất nguồn vốn đối với khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ và NHNN cần đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn; đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ DN. Đồng thời, NHNN nên sửa đổi Thông tư 36 về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40% theo lộ trình, chẳng hạn; sau 12 tháng, đưa về mức 50%; sau 24 tháng, đưa về mức 40% như dự thảo từng đề cập.