Tín dụng quý I tăng đột biến, gió đổi chiều!
Cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 0,8%, nhưng đến cuối tháng 3 đạt mức tăng 1,5%. Con số tăng không lớn, nhưng cũng phải nhớ rằng, giai đoạn 2011 - 2014, tăng trưởng tín dụng quý I của hệ thống ngân hàng luôn ở trạng thái âm.
Soi tăng trưởng tín dụng và nợ xấu
Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng cải thiện tích cực trong những tháng đầu năm, vậy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như thế nào, tình hình nợ xấu ra sao?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của Vietcombank cho thấy, cho vay khách hàng đạt 411.634 tỷ đồng, tăng 6,3%; tiền gửi của khách hàng đạt 513.996 tỷ đồng, tăng 2,7%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng thời điểm cuối quý I/2016 ở mức 1,84%; trong số gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu, nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm 5.885 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Tại BIDV, cho vay khách hàng đến hết quý I/2016 đạt 623.740 tỷ đồng, tăng 4,2%; tiền gửi của khách hàng đạt 612.338 tỷ đồng, tăng 8,4%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý I/2016 của BIDV tăng lên 1,8% so với mức 1,67% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gần 900 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 460 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tại TPBank trong quý I/2016 đạt 34.082 tỷ đồng, tăng 20,6%; tiền gửi của khách hàng đạt 42.865 tỷ đồng, tăng 8,5%. Còn tại ACB, đến hết quý I/2015, cho vay khách hàng đạt 144.229 tỷ đồng, tăng 7,6%. Tăng trưởng tín dụng của một số nhà băng khác trong quý I/2016 như: Vietinbank, Techcombank, VIB, Sacombank, MB… ở mức 2 - 3%.
Ngược lại, một số nhà băng có tín dụng tăng trưởng âm trong quý đầu năm. Chẳng hạn, Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2016, theo đó cho vay khách hàng đạt 82.520 tỷ đồng, giảm 2,6%, trong khi tiền gửi của khách hàng đạt 101.064 tỷ đồng, tăng 2,67%. Tổng số nợ xấu cuối quý I/2016 của Eximbank là 2.300 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2015 và chiếm 2,78% tổng dư nợ cho vay (tỷ lệ này tại thời điểm cuối năm 2015 ở mức 1,85%).
Mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức cao
Năm nay, các nhà băng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao. Thậm chí, không ít ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao gấp đôi so với mục tiêu của ngành. Chẳng hạn, VPBank đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng năm 2016 đạt 171.017 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng 156.358 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2015.
Theo báo cáo tại ĐHCĐ thường niên mới đây, năm 2015, tổng tài sản của VPBank đạt 193.876 tỷ đồng, tăng 18,8%; cho vay khách hàng đạt 116.804 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014. Ngân hàng tập trung cho vay phân khúc khách hàng chiến lược, tài chính tiêu dùng.
Hay TPBank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này năm 2016 là 47%. Tuy nhiên, xét về tổng số tuyệt đối thì quy mô cho vay khách hàng của TPBank vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tới 35.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.
Tương tự, năm 2016, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 25%, ACB đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20%, Nam A Bank đề ra kế hoạch dư nợ cho vay đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 20% (tín dụng năm 2015 của Nam A Bank tăng 20% so với năm 2014)…
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, sở dĩ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm trước là do kinh tế dần hồi phục, nhu cầu vốn của doanh ngiệp tăng trở lại nhằm mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với trước. Cùng với đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng, vay mua nhà của khách hàng cá nhân tăng mạnh trong những năm gần đây, được xem là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay. Thực tế, trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng năm 2015, cho vay cá nhân chiếm quá nửa.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích tài chính nhận định, tín dụng quý I/2016 tăng cao, nhưng chưa chắc sẽ đột biến trong năm 2016. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng năm nay được CTCK Vietcombank (VCBS) dự báo thấp hơn năm 2015, có thể chỉ tăng khoảng 16%, do cầu tín dụng lĩnh vực bất động sản, cụ thể là các dự án BOT chững lại.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, có lẽ Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, trong đó có việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn và điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản.
Theo ông Minh, việc điều chỉnh này là cần thiết, sẽ ảnh hưởng đến người đầu cơ bất động sản và những chủ đầu tư dự án có năng lực tài chính yếu, còn đối với những người mua nhà để ở, mua bất động sản không vì mục tiêu kinh doanh sẽ ít bị ảnh hưởng.
Về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động năm 2016 được dự báo tăng không quá mức 0,5%/năm so với năm 2015 do chính sách về tỷ giá và kiểm soát tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước; lãi suất cho vay tiếp tục ổn định theo định hướng của Chính phủ.