Giám sát các giao dịch đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng nhằm phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố
(Tài chính) Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 quy định các đối tượng báo cáo cần giám sát đặc biệt với một số giao dịch, đồng thời đưa ra các dấu hiệu nhận biết đối với các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng dễ dàng nhận biết và phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Giám sát các giao dịch đặc biệt
Theo Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chỉ riêng năm 2013, cơ quan này đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý.
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo (các tổ chức tài chính hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính) có liên quan phải giám sát đặc biệt đối với các giao dịch sau đây: Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; và Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo.
Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền nêu rõ, giao dịch có giá trị lớn bất thường là giao dịch rõ ràng không tương xứng với thu nhập hoặc không phù hợp với mức giá trị giao dịch thường xuyên của khách hàng với đối tượng báo cáo.
Trong khi đó, giao dịch phức tạp là giao dịch được thực hiện thông qua phương thức không phù hợp với bản chất của giao dịch như: Giao dịch được thực hiện thông qua nhiều bên trung gian, nhiều tài khoản không cần thiết; Giao dịch được thực hiện giữa nhiều tài khoản khác nhau của cùng một chủ tài khoản tại các khu vực địa lý khác nhau; Bất kỳ giao dịch nào do đối tượng báo cáo nhận định không bình thường và cần có sự giám sát chặt chẽ...
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch. Trong trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi NHNN và có thể từ chối giao dịch đó. Cụ thể, đối tượng báo cáo có trách nhiệm phải báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Đối với giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Báo cáo giao dịch đáng ngờ được thực hiện theo mẫu do NHNN quy định.
Về thời hạn báo cáo, đối với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, đối tượng báo cáo phải báo cáo hàng ngày đối với hình thức báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử; Báo cáo trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh giao dịch đối với hình thức báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức báo cáo khác. Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời gian tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; trường hợp phát hiện giao dịch do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì phải báo cáo ngay cho NHNN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dấu hiệu để nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2013 đưa ra các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản để các đơn vị liên quan có thể dễ dàng nhận biết. Chẳng hạn như: Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này…
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đưa ra 12 tiêu chí để nhận biết dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm:
- Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không.
- Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo.
- Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường.
- Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh.
- Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn.
- Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
- Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn.
- Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu;
- Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc uỷ thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch.
- Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.
Theo các chuyên gia tài chính, đây chính là những cơ sở quan trọng giúp cho các tổ chức tài chính, trong đó có hệ thống ngân hàng dễ dàng nhận biết và thực hiện hiệu quả, qua đó góp phần tích cực vào “cuộc chiến” phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.