Giảm sâu, giá vàng hướng đến tháng sụt mạnh nhất trong hơn 7 năm
Nhà đầu tư hiện giờ rất quan tâm đến triển vọng lạm phát theo quan điểm của Fed trong quá trình kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng giao hợp đồng tương lai giảm mạnh, tuy nhiên ở mức chốt phiên, giá vàng tránh được kịch bản sụt giảm sâu. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá vàng hạ đến 1,7%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao đã gây sức ép lớn lên giá vàng và diễn biến của đồng USD cũng tạo ra nhiều áp lực. Đồng USD mạnh hơn thường khiến giá vàng trở nên cao hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ lớn khác.
Lợi suất trái phiếu cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ so với vàng và bạc vốn được coi là tài sản không mang lại lợi suất.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2021 giảm 17,10USD/ounce tương đương 1% xuống 1.763,6USD/ounce, trước đó trong phiên giá vàng chạm mức thấp trong ngày giao dịch là 1.750,1USD/ounce. Trong phiên ngày thứ Ba đã có lúc giá vàng giảm rất sâu, giá vàng hướng đến tháng giảm tồi tệ nhất tính từ năm 2013, mức giảm ghi nhận 8%.
Nhà đầu tư hiện giờ rất quan tâm đến triển vọng lạm phát theo quan điểm của Fed trong quá trình kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Triển vọng của giá vàng hiện đang khó đoán bởi quan điểm của Fed rằng lạm phát sẽ chỉ là vấn đề tạm thời và rằng việc lãi suất được điều chỉnh tăng sẽ chỉ diễn ra chậm và chắc chắn sẽ không xảy ra cho đến cuối năm 2022. Giá vàng thường hưởng lợi từ lạm phát tăng cao và lãi suất thấp.
“Thị trường dường như có tâm lý không ổn định với quan điểm về lạm phát của Fed, ngày một nhiều nhà đầu tư cố quan điểm rằng sự mơ hồ của ngân hàng trung ương và quan điểm trái chiều từ phía các quan chức cuối cùng sẽ khiến cho lãi suất được điều chỉnh tăng sớm hơn so với kỳ vọng”, theo nhận định của chuyên gia phân tích tại ActivTrades.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ vẫn coi vàng có vai trò quan trọng trong dự trữ của họ, theo kết quả nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Trong ngày thứ Ba, WGC công bố kết quả nghiên cứu mới đây nhất, theo đó 21% ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng dự trữ vàng trong năm tới, tỷ lệ này không đổi so với năm 2020.
Cũng theo khảo sát, không ngân hàng trung ương nào có kế hoạch bán vàng trong năm nay, giảm đáng kể so với tỷ lệ 4% theo khảo sát vào năm ngoái. Năm nay, 56 ngân hàng trung ương tham gia vào cuộc khảo sát của WGC, cao hơn đáng kể so với con số 51 ngân hàng của năm ngoái.
“Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các ngân hàng trung ương đang quan tâm ngày một nhiều hơn đến vàng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì thanh khoản cao, giữ nhiều loại tài sản trong danh mục. Đồng thời, lạm phát có dấu hiệu tăng nóng trở lại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương trong những năm tới, dù rằng khối lượng vàng nắm giữ sẽ có thể vẫn thấp hơn so với nhiều thập niên trước đây”, WGC nhận định.
52% người trả lời cho biết họ tin rằng lượng nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, giảm đáng kể so với tỷ lệ 75% vào năm ngoái.
Dù rằng các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ vẫn mua ròng vàng, theo WGC, động lực mua đã giảm đáng kể trong năm nay. Diễn biến của giá vàng trong khủng hoảng là lý do lớn nhất khiến nhiều bên muốn tăng cường nắm giữ vàng.